HƯỚNG DẪN THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU
Nhãn hiệu đóng vai trò lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giúp định vị sản phẩm, dịch vụ trong tâm trí khách hàng cũng như tạo sự khác biệt trên thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, nhãn hiệu rất dễ bị xâm phạm bởi các hành vi trái pháp luật, dễ tác động đến kết quả kinh doanh. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì nhãn hiệu là một tài sản trí tuệ cần được bảo vệ và căn cứ pháp lý để bảo hộ nhãn hiệu là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Tuy nhiên, không phải nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân nào cũng có thể được cơ quan nhà nước làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà nhãn hiệu muốn được bảo hộ trước hết phải đáp ứng được các điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu và thực hiện đúng trình tự đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005( sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
Đăng ký nhãn hiệu là thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuê.
1. Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện:
* Thứ nhất: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Điều kiện này được hiểu là nhãn hiệu đó phải được nhận thức, cảm nhận bằng thị giác của con người chứ không phải là vô hình thông qua việc nhìn ngắm, quan sát nhãn hàng hóa và thấy được nhãn hiệu của hàng hóa đó để phân biệt với hàng hóa dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, tuy là nhãn hiệu có thể nhìn thấy được nhưng pháp luật lại quy định dấu hiệu đó không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu khi nhãn hiệu đó thuộc một trong các trường hợp:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
* Thứ hai: nhãn hiệu đó phải có khả năng phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dế ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp thuộc khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).
2. Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu:
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu;
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện nhãn hiệu dự định đăng ký;
- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ);
- Danh mục sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp dự định sử dụng nhãn hiệu;
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư nếu chủ sở hữu là tổ chức, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân tương đương khác của chủ sở hữu là cá nhân;
- Chứng từ đã nộp phí, lệ phí.
3. Quy trình thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam:
Bước 1: Xác định đối tượng và phạm vi xem xét bảo hộ
Tại bước này, xem xét tính khả thi của nhãn hiệu cần bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ về mặt sản phẩm, dịch vụ cũng như phạm vi không gian địa lý bảo hộ.
Bước 2: Tra cứu, đánh giá sơ bộ về tình trạng nhãn hiệu
Tiến hành tra cứu sơ bộ xem nhãn hiệu có bị trùng hoàn toàn hoặc tương tự (gần giống) với nhãn hiệu khác đã được bảo hộ, có đáp ứng hay không theo tiêu chuẩn được xem xét bảo hộ của pháp luật.
Bước 3: Nộp đơn và theo dõi thẩm định đơn
Doanh nghiệp sau khi chốt nhãn hiệu của mình, doanh nghiệp sẽ kê khai và hoặc thông qua đại diện sở hữu trí tuệ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Doanh nghiệp nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Tại bước này, đơn nhãn hiệu sẽ được xem xét, đánh giá chính thức về hình thức và nội dung bởi các thẩm định viên nhãn hiệu. Kết quả của quá trình thẩm định là văn bản thông báo dự kiến cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu hoặc văn bản thông báo đề nghị sửa đổi hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu diễn ra qua 3 bước cơ bản sau đây:
a) Thẩm định hình thức:
Thẩm định về mặt hình thức là việc đánh giá tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức,về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Thời gian thẩm định hình thức là 1-2 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Nếu đơn đáp ứng các yêu cầu của đơn hợp lệ, thì Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận ngày nộp đơn hợp lệ, số đơn hợp lệ, ngày ưu tiên của đơn và thông báo cho người nộp đơn quyết định chấp nhận đơn.
b) Công bố đơn hợp lệ:
Đơn đăng ký nhãn hiệu được chấp nhận là hợp lệ được công bố trên Công báo SHCN trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ. Nội dung công bố đơn đăng ký nhãn hiệu là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo.
c) Thẩm định nội dung:
Đơn đăng ký nhãn hiệu đã được công nhận là hợp lệ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ. Thời hạn thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu là 9-12 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Trường hợp nhãn hiệu đáp ứng yêu cầu luật định về bảo hộ nhãn hiệu thì chủ đơn nhãn hiệu sẽ nhận được văn bản thông báo dự kiến cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Nhãn hiệu được bảo hộ trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên). Doanh nghiệp được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. Do vậy, nhãn hiệu sẽ là tài sản xuyên suốt quá trình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
NTĐ
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn