TƯ VẤN VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI CHỈ CÓ GIẤY VIẾT TAY
TƯ VẤN VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI CHỈ CÓ GIẤY VIẾT TAY.
Tranh chấp quyền sử dụng đất là vấn đề khá nhạy cảm hiện nay. Thủ tục giải quyết được coi là phức tạp nếu không có sự thuận tình thoả thuận giải quyết giữa hai bên. Đặc biệt, đối với trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất nhưng chỉ có giấy viết tay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Dưới đây là bài viết của công ty Luật TNHH HTC tư vấn về tranh chấp được nếu trên.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật đất đai 2013
- Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
- Bộ Luật dân sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017)
II. Nội dung tư vấn
1. Tranh chấp đất đai
Theo Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Từ khái niệm trên ta có thể tranh chấp đất đai là một khái niệm có nội hàm khá rộng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quan hệ đất đai. Hay nói cách khác, tranh chấp đất đai là những mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình sử dụng đất. Tranh chấp đất đai có thể là tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về ranh giới, mốc giới thửa đất, các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất (như đặt cọc, hứa mua hứa bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất,…), tranh chấp thừa kế và chia di sản chung đối với tài sản là quyền sử dụng đất.
2. Hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định như thế nào?
Hợp đồng mua bán đất đai bằng giấy viết tay theo quy định Bộ Luật dân sự năm 2015 thì sẽ bị vô hiệu vì vi phạm về mặt hình thức, nhưng lần đầu tiên ghi nhận các ngoại lệ để Tòa án có thể công nhận giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức có thể được công nhận hiệu lực như sau:
Tại văn bản luật chuyên ngành, những giao dịch pháp luật bắt buộc phải có công chứng, chứng thực như hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 129 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì nếu các bên vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, khi giải quyết thì Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó và các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, không phải việc một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì giao dịch đó đương nhiên có hiệu lực, mà cần có thêm điều kiện là phải thông qua con đường Tòa án.
Vì vậy nếu một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán đất đai bằng giấy viết tay thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
3. Cách giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất chỉ có giấy viết tay.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất mà chỉ có giấy viết tay thì có thể giải quyết theo các hướng như sau:
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu: Theo khoản 1 Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu khi vi phạm về hình thức là 02 năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Hay nói cách khác, trong thời gian 02 năm, kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng “bằng giấy viết tay” thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu.
Hậu quả pháp lý khi tuyên vô hiệu: Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (1 bên trả lại tiền, bên kia trả lại đất). Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Việc khởi kiện ra toà án nhân dân có thẩm quyền theo trình tự thủ tục mà Luật đất đai 2013 và bộ luật tố tụng dân sự 2015. Cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015 thì cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng bằng Giấy viết tay vô hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, cá nhân, tổ chức làm đơn khởi kiện với nội dung theo Điều 189 BLTTDS 2015 gửi đến Tòa án có thẩm quyền.
Thứ ba, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí và Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án.
Thứ tư, sau khi thụ lý vụ án Tòa án sẽ xem xét và chuẩn bị xét xử vụ án. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành phiên họp kiểm tra giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải. Sau đó, Tòa án sẽ ban hành các quyết định như công nhận hòa giải thành, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, nếu vụ án không rơi vào trường hợp này thì Thẩm phán phải quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và ban hành bản án hoặc quyết định.
(Đinh Hằng)
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi chỉ có giấy viết tay. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
Giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chia trong thừa kế
Đăng ký quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật đất đai mới nhất