THỦ TỤC SANG TÊN SỔ ĐỎ KHI CHA MẸ MẤT KHÔNG ĐỂ LẠI DI CHÚC
THỦ TỤC SANG TÊN SỔ ĐỎ KHI CHA MẸ MẤT KHÔNG ĐỂ LẠI DI CHÚC
Câu hỏi: Bố mẹ tôi mất năm 2015, không có để lại di chúc. Gia đình tôi có 200 m2 đất đứng tên chủ sở hữu bố mẹ tôi. Hiện nay, gia đình tôi (có tôi và 2 em gái) thống nhất đề tôi đứng tên trên sổ đỏ để thực hiện việc xây nhà mới. Tôi phải làm thế nào để chuyển sang tên sổ đỏ sang tên tôi. Xin cảm ơn.
Trước hết, xin cảm hơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam, chúng tôi xin có ý kiến tư vấn như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Đất đai năm 2013;
- Luật dân sự 2015;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
II. NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Quyền sử dụng đất thuộc về ai?
Theo như lời kể của bạn thì bố mẹ là người đứng tên trên sổ đỏ, khi mất không để lại di chúc. Theo đó, trường hợp của bạn có thể hiểu như sau:
Thứ nhất, quyền sử dụng đất đó là một trong những di sản thừa kế của cha mẹ bạn
Thứ hai, do không có di chúc đề lại nên việc phân chia di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định. Pháp luật quy định về các hàng thừa kế như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Theo đó, trong trường hợp của bạn, những người có quyền hưởng di sản đối với mảnh đất này bao gồm bạn và 2 người em gái của bạn.
2. Thủ tục sang tên sổ đỏ khi cha mẹ mất không để lại di chúc
Trong trường hợp của bạn, có ba người được hưởng quyền thừa kế đối với mảnh đất của cha mẹ để lại nhưng do gia đình đã thống nhất để bạn đứng tên trên sổ đỏ mảnh đất đó nên việc sang tên sổ đỏ được thực hiện như sau:
Bước 1: Thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Việc thực hiện khai nhận và phân chia di sản thừa kế có thể thực hiện tại các phòng công chứng.
Theo pháp luật về công chứng thì những người thừa kế theo pháp luật thì có quyền yêu caaif công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác. Như vậy, với trường hợp của bạn, hai người em gái có thể tặng cho phần di sản thừa kế đối với mảnh đất cho bạn.
Hồ sơ chuẩn bị bao gồm:
- Văn bản phân chia di sản thừa kế;
-Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản thừa kế;
- Giấy chứng thực cá nhân của người được hưởng di sản thừa kế;
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
- Giấy tờ chứng minh quyền sở dụng đất;
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Sau khi có hồ sơ, Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Bước 2: Thực hiện đăng ký biến động đất đai
Theo điểm a, khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất phải được đăng ký biến động:
“4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
……..”
- Hồ sơ chuẩn bị bao gồm:
+ Giấy đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+Văn bản phân chia di sản thừa kế;
+ Giấy tờ chứng chính minh quyền sử dụng đất của người để lại di sản;
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế
+ Giấy chứng tử
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện là : Văn phòng đăng ký đất đai:
- Thời hạn đăng ký biến động là: không quá 30 ngày ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế
- Lệ phí thực hiện việc đăng ký biến động đất đai:
Việc sang tên sổ đỏ khi cha mẹ mất không để lại di chúc được miễn lệ phí trước bạ theo khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ:
“10. Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Trần Hà)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Tư vấn điều kiện, trình tự, thủ tục sang tên sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
Tư vấn thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Tư vấn thừa kế theo pháp luật;