TƯ VẤN VỀ QUYỀN BỀ MẶT
TƯ VẤN VỀ QUYỀN BỀ MẶT
Chế định về quyền bề mặt là một trong những chế định có sức sống lâu bền, có vài trò thiết yếu trong bộ luật dân sự 2015. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn làm rõ những quy định của pháp luật Việt Nam về quyền bề mặt trong bài viết sau.
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015
II. Nội dung tư vấn
1. Quyền bề mặt là gì?
Theo quy định của pháp luật, quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Như vậy, đối tượng tác động của quyền bề mặt được nêu rất cụ thệ, bao gồm: mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất.
2. Thời hạn và nội dung của quyền bề mặt
- Thời hạn hưởng quyền
Thời hạn hưởng quyền bề mặt được xác định theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc di chúc nhưng không vượt quá thời hạn của quyền sử dụng đất. Pháp luật quy định về thời hạn hưởng quyền như trên là hợp lý trong việc đưa ra căn cứ xác định thời hạn hưởng quyền. Thực tế, quyền bề mặt được xác lập gắn với mặt đất, mặt nước, nên thời hạn hưởng quyền bề mặt tối đa chỉ bằng thời hạn sử dụng đất là phù hợp và cũng tránh những tranh chấp nảy sinh nếu thời hạn này được quy định vượt quá thời hạn sử dụng đất.
Pháp luật cũng dự liệu trong trường hợp thỏa thuận hoặc di chúc không xác định thời hạn của quyền bề mặt thì mỗi bên có quyền chấm dứt quyền này bất cứ lúc nào những phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết ít nhất là 06 tháng. Dự liệu trong khoảng thời gian như trên là phù hợp để các bên thực hiện các hoạt động của mình trước khi chấm dứt quyền bề mặt.
- Nội dung của quyền bề mặt
Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nội dung cụ thể của quyền chỉ ra là chủ sở hữu quyền bề mặt chỉ được sử dụng bề mặt và mục đích: canh tác, trồng cây, xây dựng công trình.
3. Căn cứ xác lập, chấm dứt quyền bề mặt
- Căn cứ xác lập quyền bề mặt:
Xác lập theo quy định của pháp luật, di chúc hoặc theo thỏa thuận. Thông thường, việc xác lập quyền bề mặt do thỏa thuận của hai bên, các bên được tự do thỏa thuận về thời hạn của quyền bề mặt mà không được vượt quá thời hạn của quyền sử dụng đất. Trong trường hợp chủ sở hữu để lại di chúc thì quyền bề mặt cũng có thể được xác lập.
Quyền bề mặt phải được xác lập từ một quyền sở hữu hợp pháp. Nghĩa là, nếu chủ sở hữu đất và người có quyền bề mặt ký kết hợp đồng nhằm xác lập quyền bề mặt thì chủ đất trên phải là chủ sở hữu hợp pháp đối với đất. Nếu quyền bề mặt được xác lập từ người khác mà đã sở hữu quyền bề mặt thì quyền bề mặt trước đó phải được xác lập một cách hợp pháp.
- Căn cứ chấm dứt quyền bề mặt:
+ Thời hạn hưởng quyền bề mặt đã hết
+ Chủ thể có quyền bề mặt và chủ thể có quyền sử dụng đất là một
+ Chủ thể có quyền bề mặt từ bỏ quyền của mình
+ Quyền bề mặt chấm dứt khi quyền sử dụng đất có quyền bề mặt bị thu hồi theo quy định của Luật đất đai
+ Theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật
4. Xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt
Khi quyền bề mặt chấm dứt, chủ thể quyền bề mặt phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Việc trả lại bề mặt nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận riêng, chủ thể quyền bề mặt phải xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình trước khi quyền bề mặt chấm dứt. Điều này đặt ra nhằm trả lại cho chủ sở hữu mảnh đất như ban đầu trước khi xác lập quyền bề mặt.
Trong trường hợp chủ thể quyền bề mặt không xử lý tài sản trước khi quyền bề mặt chấm dứt thì quyền sở hữu tài sản đó thuộc về chủ thể có quyền sử dụng đất kể từ thời điểm quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản đó. Điều này đặt ra nhiều trường hợp chủ thể quyền bề mặt không xử lý tài sản trên đất vì lý do chi phí xử lý quá lớn hoặc cố tình trốn tránh việc xử lý đó. Việc không xử lý tài sản này có thể gây ra thiệt hại cho chủ sở hữu thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi thường. Trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản mà phải xử lý tài sản thì chủ thể có quyền bề mặt phải thanh toán chi phí xử lý tài sản.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về quy định của pháp luật đối với quyền bề mặt. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Lưu Duy Đạt.132)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan: