TƯ VẤN YÊU CẦU TÒA ÁN HỦY BỎ QUYẾT ĐỊNH TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT TÍCH.
TƯ VẤN YÊU CẦU TÒA ÁN HỦY BỎ QUYẾT ĐỊNH TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT TÍCH.
Cá nhân sinh ra là một thực thể của xã hội và là thực thể pháp lý. Sự tồn tại của cá nhân với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự đem lại cho cá nhân các quyền và nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định. Thông thường cá nhân sinh ra và khai tử theo một quy luật thông thường. Tuy nhiên có những trường hợp cá nhân mất tích và sự mất tích ấy lại ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của chủ thể khác. Xuất phát từ lý do này mà pháp luật dân sự đã có những quy định về việc tuyên bố mất tích. Khi Tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích, tạm thời tư cách chủ thể của người bị tuyên bố mất tích bị dừng lại.
Và khi người bị tuyên bố mất tích trở về, thì tư cách chủ thể của người đó lại có hiệu lực pháp lý. Bộ luật Dân sự đã dự liệu và quy định cách giải quyết đối với trường hợp này.
1. Căn cứ về việc yêu cầu hủy quyết định tuyên bố một người mất tích
Theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích như sau:
“Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó”.
Như vậy để tòa án huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích khi có các điều kiện sau:
Thứ nhất: Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống;
Thứ hai: Theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan.
2. Thủ tục giải quyết đơn yêu cầu tại Tòa
Căn cứ vào Điều 390 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc gửi đơn lên Tòa án để yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích. Theo đó, Khoản 1 Điều 390 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“ Người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự ” .
Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị mất tích là đã trở về hoặc chứng minh xác thực là người đó còn sống
Khi nhận được đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích thì Tòa án sẽ tiếp nhận đơn và xem xét xem có nhận đơn hay không. Theo quy định tại Điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp thì Tòa án phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu, xem xét xem có thể chấp nhận đơn hay không. Việc quy định như vậy thể hiện được tính khẩn trương trong giải quyết việc dân sự từ phía Tòa án. Cũng do tính chất của yêu cầu không có những vấn đề cần điều tra, xác minh hoặc tiến hành các bước trung gian khác, mà chỉ cần có chứng cứ xác thực về việc người bị tuyên bố mất tích đã trở về hoặc còn sống do người yêu cầu cung cấp nên Tòa án có thể nhanh chóng tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự đó.
Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích, trong đó phải quyết định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.
3. Hậu quả pháp lý của việc Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích
Theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hậu quả pháp lý của hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích:
- Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý. Bởi vì, người quản lý tài sản đã có công quản lý, trông nom tài sản của người bị tuyên bố mất tích, vì thế nên khi người này trở về thì phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán chi phí quản lý tài sản cho người quản lý đó.
- Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật. Quy định này đảm bảo tính pháp lý của những quan hệ pháp lý đã phát sinh sau khi có quyết định ly hôn. Nhiều trường hợp sau khi có quyết định ly hôn thì người vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích đã kết hôn với người khác. Như vậy, pháp luật cần bảo vệ quan hệ pháp luật đã phát sinh và có hiệu lực sau đó. Điều này cũng nhằm bảo đảm thi hành và ý nghĩa pháp lý cũng như ý nghĩa thực tiễn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
NTĐ
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn