Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

TƯ VẤN YÊU CẦU TÒA ÁN CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Quá trình hội nhập đã đem lại những cơ hội phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, cũng như rất nhiều thách thức mới, nhiều quan hệ mới phát sinh. Nhưng cùng với việc mở rộng và phát triển quan hệ quốc tế của nước ta, đã và đang xuất hiện ngày một nhiều các vụ việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động mà một bên đương sự là công dân, pháp nhân Việt Nam. Nhiều vụ án đã được toà án nước ngoài giải quyết và gửi bản án, quyết định đến Việt Nam kèm theo đơn yêu cầu công nhận và thi hành tại nước ta các bản án, quyết định đó. Hiện nay, việc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động tương trợ tư pháp, một thủ tục đặc biệt của hoạt động tố tụng dân sự.

Phạm vi quyết định/bản án dân sự của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Theo Khoản 1 Điều 423 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

“a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;

c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.”

Như vậy, không phải bản án, quyết định dân sự của Tòa án của bất kỳ nước nào cũng có thể được Tòa án Việt Nam xem xét, công nhận mà phải là Tòa án của nước mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này.

Ngoài ra, BLTTDS còn có thêm một quy định mở đối với vấn đề này, đó là bản án, quyết định dân sự của Tòa án cũng có thể được tòa án Việt Nam xem xét trên nguyên tắc “có đi có lại” mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó.

Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được quy định trong Bộ Tố tụng dân sự 2015 luật gồm các bước sau:

1. Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành

Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên hoặc Tòa án Việt Nam có thẩm quyền quy định tại Bộ luật này để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó.

2. Trình tự, thủ tục xét đơn yêu cầu

Bước 1: Người yêu cầu nộp “Đơn yêu cầu và cho thi hành” kèm theo “Giấy tờ tài liệu”

- Người có quyền yêu cầu:

Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.

- Nội dung chính của “đơn yêu cầu”:

+ Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;

+ Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam;

+ Yêu cầu của người được thi hành; trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đã được thi hành một phần thì người được thi hành phải ghi rõ phần đã được thi hành và phần còn lại có yêu cầu công nhận và cho thi hành tiếp tại Việt Nam.

+ Đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Cùng với đơn, đương sự phải gửi kèm các loại giấy tờ: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực bản án, quyết định do Tòa án nước ngoài cấp; Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những nội dung này; Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận kết quả tống đạt hợp lệ bản án, quyết định đó cho người phải thi hành; Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã được triệu tập hợp lệ trong trường hợp Tòa án nước ngoài ra bản án vắng mặt họ.

Tất cả những tài liệu mà đương sự nộp yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định tại Việt Nam đều phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Bước 2: Thụ lý hồ sơ

Hồ sơ này đương sự không nộp trực tiếp cho Tòa án mà gửi cho Bộ Tư pháp của Việt Nam. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Tư pháp phải chuyển hồ sơ sang cho Tòa án.

Chỉ có Tòa án cấp tỉnh mới có thẩm quyền sơ thẩm đối với loại việc này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ Tòa án có thẩm quyền thụ lý và báo cho VKS cùng cấp biết. Văn bản yêu cầu và văn bản trả lời đều phải gửi qua Bộ Tư pháp.

Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có quyền yêu cầu người được thi hành giải thích những điểm chưa rõ trong đơn; yêu cầu Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong hồ sơ.

Khoản 3 Điều 437 BLTTDS quy định thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành BA, QĐDS tại Việt Nam là bốn tháng; trong trường hợp có yêu cầu giải thích, thời hạn này được kéo dài thêm hai tháng. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài là hai tháng; trong trường hợp có yêu cầu giải thích, thời hạn này được kéo dài thêm hai tháng.

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án phải ra một trong ba loại quyết định: Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; Mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp. Thời gian để VKS cung cấp nghiên cứu hồ sơ là 15 ngày trước ngày mở phiên họp.

Bước 4: Phiên họp xét đơn yêu cầu

Trong các phiên họp loại việc này, VKS tham gia là quy định bắt buộc. Thành phần Hội đồng xét đơn gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán giữ vai trò chủ tọa. Hội đồng xét đơn chỉ cần triệu tập đối với người phải thi hành. Trong trường hợp Tòa công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thì phải ra quyết định.

Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.

Bước 5: Gửi quyết định của Tòa án

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát cùng cấp.

Nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa án, đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định; nếu đương sự vắng mặt là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thời hạn kháng nghị là 07 ngày kể từ ngày Tòa ra quyết định, đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, thời hạn này là 10 ngày.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

NTĐ

Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn



Gọi ngay

Zalo