TƯ VẤN VỀ DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG.
TƯ VẤN VỀ DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG.
Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất thì vẫn giữ nguyên. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành. Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, dù bàn thờ sơn son thiếp vàng hay chỉ một nén nhang, một chén rượu đều thể hiện cái tâm, cái hiếu của người sống với người đã chết. Có lẽ vì vậy mà di sản dùng vào việc thờ cúng không chỉ được sự thoả thuận chặt chẽ của người trong gia đình, dòng tộc mà pháp luật cũng có những quy định cụ thể.
1. Thờ cúng
Thờ cúng tổ tiên là một phong tục tốt đẹp của nhân dân ta, giáo dục thế hệ sau nhớ công ơn của thế hệ trước, luôn biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của thế hệ trước. Từ cơ sở đó luật pháp đã quy định cụ thể nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan đến việc để lại di sản thờ cúng, hơn nữa việc điều chỉnh này nhằm giải quyết những tranh chấp liên quan đến việc để lại di sản và dùng di sản vào việc thờ cúng.
2. Di sản dùng vào việc thờ cúng
Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
“1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Theo đó, di sản dùng vào việc thờ cúng được để lại theo ý nguyện của người lập di chúc, di sản này không chia mà được giao cho một người quản lí. Di sản này có thể là một tài sản cụ thể. Nếu là tài sản hoặc cây lâu năm, người quản lí có thể thu hoa lợi, lợi tức và dùng nó để thực hiện việc thờ cúng. Người quản lí không được sử dụng vào mục đích của riêng mình, không có quyền định đoạt di sản này.
3. Chủ thể quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng
Chủ thể quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng được xác định dựa trên một trong hai căn cứ: Theo sự chỉ định của người lập di chúc để lại di sản đó và theo thoả thuận của những người thừa kế của người để lại di sản.
- Thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo di chúc: người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng để thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo sự định đoạt của người lập di chúc thì phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên nếu người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng và thực hiện việc thờ cúng nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đó thì những người thừa kế có quyền giao lại di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
- Thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo chỉ định của những người thừa kế theo pháp luật: Theo đoạn 2 khoản 1 điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 có ghi “Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng”. Những người thừa kế theo quy định ở đây là những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản thờ cúng. Khẳng định này dựa trên cơ sở của phong tục truyền thống thờ cúng những người thân thích đã tồn tại hàng ngàn năm của dân tộc ta.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lí để thờ cúng. Do đó, nảy sinh vấn đề phải xác định hành vi của người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế trong việc thực hiện nghĩa vụ thờ cúng:
Thứ nhất, người được chỉ định quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng phải thực hiện nghĩa vụ đúng với nội dung của di chúc, do người để lại di sản đó yêu cầu. Như vậy hành vi của người vi phạm nghĩa vụ thờ cúng được xác định do người đó không thực hiện đúng với nội dung của di chúc sử dụng di sản thờ cúng, để có căn cứ xác định người quản lý vi phạm nghĩa vụ thờ cúng;
Thứ hai, người quản lý di sản không thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo thoả thuận của những người thừa kế, là căn cứ để xác định người quản lí di sản thờ cúng vi phạm nghĩa vụ thờ cúng.
4. Căn cứ chấm dứt di sản dùng vào việc thờ cúng
Theo quy định tại đoạn 3 Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Thời hạn di sản thờ cúng không được coi là di sản thờ cúng nữa phụ thuộc vào sự kiện pháp lí tất cả người thừa kế đều đã chết, theo đó phần di sản thuộc về người đang quản lí hợp pháp trong số những người được thừa kế theo hàng được quy định tại Khoản 1 Điều 650 hoặc là người thừa kế thế vị theo điều 652 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định này thì người đang quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng cũng đồng thời là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản sẽ trở thành chủ sở hữu của di sản dùng vào việc thờ cúng, nếu tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết.
5. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu trường hợp tài sản người chết để lại không đủ để thanh toán các nghĩa vụ tài sản theo quy định thì không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng. Quy định này nhằm bảo vệ người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di chúc, khi di sản còn lại chưa đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại, thì phải dùng phần di sản dùng vào việc thờ cúng thực hiện nghĩa vụ đó.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định Bộ luật Dân sự 2015. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
NTĐ
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn