QUY TRÌNH, THỦ TỤC NHẬN CON NUÔI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
Ngày nay việc nhận con nuôi diễn ra rất phổ biến. Điều đó mang lại một gia đình, một cơ hội được chăm sóc, yêu thương tốt hơn cho những trẻ em không may mắn được nuôi dưỡng bởi cha, mẹ ruột. Tại Việt Nam đã sớm có những quy định về trình tự thủ tục để nhận con nuôi ở trong nước cũng như là đối với người nước ngoài muốn nhận con nuôi tại Việt Nam, tạo ra một hành lang pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với trẻ em được nhận nuôi, tạo điều kiện cho những ai có mong muốn được nhận con nuôi. Mặc dù có được quy định khá cụ thể, nhiều người vẫn còn khá lúng túng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục nhận con nuôi. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn trong việc tìm hiểu những quy trình, thủ tục cần thiết để nhận con nuôi qua bài viết sau.
I. Cơ sở pháp lý
Luật Nuôi con nuôi năm 2010
Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/03/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi được Chính phủ ban hành ngày 21/03/2011 sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 24/2019/NĐ-CP.
II. Nội dung tư vấn
1. Quy định của pháp luật về việc nhận con nuôi
Theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, có thể hiểu việc nhận con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Nuôi con nuôi được xác định là một mối quan hệ lâu dài với những quy định đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người được làm con nuôi được sống, giáo dục và muôi dưỡng trong một gia đình.
Người nhận con nuôi cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật thì mới được nhận con nuôi. Theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người nhận con nuôi là những người có: năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.
Trường hợp nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài thì ngoài những điều kiện trên còn phải đáp ứng những các điều kiện khác như: trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi thì cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú; các điều kiện nhận nuôi con của người nước ngoài thường trú ở nước ngoài hay trường hợp nhận trẻ nước ngoài làm con nuôi cũng được quy định cụ thể tại Điều 28, Điều 40 Luật Nuôi con nuôi 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó để tránh việc lợi dụng nhận con nuôi vì những mục đích trái với quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận nuôi tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi 2010 đã đưa ra các hành vi nuôi con nuôi bị cấm bao và quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 về cá nhân thuộc những trường hợp không được nhận con nuôi.
2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhận con nuôi
Theo Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì thẩm quyền đăng ký nhận con nuôi sẽ thuộc về:
- UBND cấp xã nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi trong trường hợp nhận con nuôi trong nước.
- Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi trong trường hợp nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; UBND cấp tỉnh nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
Còn đối với công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi thì thẩm quyền thuộc về cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ gồm có hồ sơ của người nhận con nuôi và của người được giới thiệu làm con nuôi. Những giấy tờ, văn bản cần thiết trong hồ sơ được quy định tại Điều 17, 18 Luật Nuôi con nuôi 2010 và Điều 7 Nghị định 19/2011/NĐ-CP bao gồm:
- Với người nhận nuôi con, khi thực hiện thủ tục cần chuẩn bị 1 bộ gồm các giấy tờ:
+ Đơn xin nhận con nuôi;
+ Hộ chiếu, CMND hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (bản sao);
+ Phiếu lý lịch tư pháp;
+ Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
+ Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
+ Văn bản các nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.
+ Trường hợp nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước gnoaif thi cần thêm Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam; Bản điều tra về tâm lý, gia đình…
- Đối với người được nhận làm con nuôi cần những giấy tờ sau:
+ Giấy khai sinh;
+ Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
+ Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
+ Các giấy tờ khác (nếu có): trẻ bị bỏ rơi cần biên bản xác nhận do UBND hoặc công an cấp xã nơi phát hiện trẻ lập; Quyết định tiếp nhận trẻ ở cơ sở nuôi dưỡng; Nếu có yếu tố nước ngoài thì cần tài liệu chứng minh đã tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ nhưng không tìm được …
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người nhận con nuôi phải nộp các hồ sơ trên tại cơ quan có thẩm quyền như đã đề cập. Thời hạn giải quyết là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Sau khi UBND nhận đủ hồ sơ sẽ kiểm tra, tiến hành lấy ý kiến của cha mẹ đẻ, một trong hai người nếu người còn lại chết, mất tích; lấy ý kiến của người giám hộ nếu cha mẹ của đứa trẻ bị chết, mất tích.
Bước 3: Trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi
Sau khi xét thấy hai bên có đủ điều kiện theo quy định thì UBND xã sẽ tổ chức đăng ký nuôi con nuôi và trao Giấy chứng nhận cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng… và ghi vào Sổ hộ tịch.
Thời gian thực hiện thủ tục này là 20 ngày kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người phải lấy ý kiến đã nêu ở trên.
Nếu UBND xã từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về trình tự, thủ tục nhận con nuôi theo pháp luật Việt Nam. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Trần Thị Mỹ Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan: