QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN THỪA KẾ VỚI CON NGOÀI GIÁ THÚ
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN THỪA KẾ VỚI CON NGOÀI GIÁ THÚ
Con ngoài giá thú là con mà cha mẹ không phải là vợ chồng trước pháp luật, hoặc tuy cha mẹ ăn ở, chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không được pháp luật công nhận là vợ chồng.Vậy thì khi cha mẹ mất có để lại di sản, con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không? Pháp luật quy định như thế nào về quyền thừa kế với con ngoài giá thú?Vấn đề này sẽ được Công ty Luật HTC Việt Nam làm rõ qua bài viết dưới đây
I. Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
II. Nội dung
Thứ nhất, Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không?
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Pháp luật dân sự không phân biệt quyền thừa kế theo pháp luật của con trong giá thú hay ngoài giá thú đối với di sản của cha. Tại khoản 2 Điều 68, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con thì: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”
Vì vậy, nếu có đầy đủ chứng cứ để chứng minh một người là con của người để lại di sản thì người này vẫn được pháp luật bảo vệ quyền được hưởng thừa kế.
Con ngoài giá thú là người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, “con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”. Do vậy cần phải tiến hành các thủ tục nhận cha, mẹ trước khi làm thủ tục để hưởng thừa kế.
Thứ hai, Con ngoài giá thú được chia di sản như thế nào?
- Trường hợp thứ nhất, người mất để lại di sản không để lại di chúc:
Trường hợp này sẽ áp dụng thừa kế theo pháp luật. Khoản 1, Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”
Con ngoài giá thú thuộc hàng thừa kế thứ nhất và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Trường hợp thứ hai, người để lại di sản có lập di chúc hợp pháp
+ Nếu như con ngoài giá thú có tên trong di chúc để lại di sản thì đứa con đó sẽ được hưởng phần di sản tương ứng với di chúc.
+ Nếu như người lập di chúc không để lại di sản cho con ngoài giá thú trong nội dung di chúc thì đứa con đó sẽ không được hưởng thừa kế, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 đó là đứa con ngoài giá thú dưới 18 tuổi hoặc mất khả năng lao động thì được hưởng 2/3 của 1 phần thừa kế theo pháp luật từ di sản để lại của người để lại di sản.
Trên đây là các quy định của pháp luật về vấn đề Quy định của pháp luật về quyền thừa kế với con ngoài giá thú của công ty Luật HTC Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ chúng tôi để dược giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!
(Đường Linh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
BÀI VIẾT LIỂN QUAN:
Người không được hưởng di sản thừa kế
Tư vấn về chia thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Tư vấn xác định thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm