NGƯỜI MẤT TÍCH CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ KHÔNG?
Phân chia di sản thừa kế khi một trong những người thừa kế mất tích là thắc mắc chung của nhiều người có quyền hưởng di sản thừa kế. Khi gặp phải trường hợp này, đa phần những người được hưởng di sản thừa kế không biết phải giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và tránh xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Việc không có thông tin hoặc không liên lạc được với một trong những người thừa kế có quyền hưởng di sản là vấn đề không hiếm gặp hiện nay như việc người thừa kế ra nước ngoài và không còn liên lạc, biệt tích... Việc này dẫn tới hoạt động phân chia di sản thừa kế không thể diễn ra bình thường, quyền lợi của các bên được hưởng di sản thừa kế chưa được đảm bảo. Chính vì vậy Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết sau.
I, Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015
II, Nội dung tư vấn
1, Trường hợp nào coi là biệt tích, mất tích?
Căn cứ vào Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 người được coi là mất tích khi đáp ứng các điều kiện sau:
“1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Khi tòa án tuyên bố một người mất tích sẽ xác định người quản lí tài sản cho người đó, theo quy định tại Điều 69 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 69. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích
Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”
Như vậy, sau khi tòa án tuyên bố mất tích thì sẽ chỉ định một người quản lý tài sản đó. Người quản lý sẽ có nghĩa vụ trả lại tài sản sau khi người mất tích, biệt tích trở về theo quy định tại khoản 4 Điều 66 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú:
“4. Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Trong trường hợp sau 3 năm kể từ ngày tuyên bố mất tích mà người đó vẫn biệt tích thì người có quyền và nghĩa vụ liên quan có thể yêu cầu tòa án tuyên bố chết.
2, Tòa tuyên bố mất tích thì người đó còn được hưởng thừa kế nữa không?
Theo Bộ luật Dân sự hiện nay, một người hưởng di sản thừa kế do cha mẹ để lại bằng một trong hai cách: Theo di chúc cha mẹ để lại hoặc được chia thừa kế theo pháp luật.
Hưởng di sản theo di chúc:
Tại Điều 643 Bộ luật Dân sự, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế và không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần nếu:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc nếu di chúc có nhiều người thừa kế theo di chúc không có hiệu lực;
- Di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế…
Như vậy, việc người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc mất tích không phải điều kiện để di chúc không có hiệu lực. Nên nếu trong di chúc, cha mẹ vẫn để lại tài sản cho người con đã mất tích thì người này vẫn được hưởng phần di sản này.
Hưởng di sản theo pháp luật:
Nếu thừa kế được chia theo pháp luật thì tại Điều 651 Bộ luật Dân sự, những người thừa kế được hưởng di sản theo thứ tự:
- Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ 2: Ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết; Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ 3: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; Bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người chết; Cháu ruột của người chết mà người chết là bác, chú, cậu, cô, dì ruột; Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Trong đó, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau và chỉ khi hàng thừa kế trước không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, việc mất tích của một người không phải điều kiện để người thuộc hàng thừa kế trước không được hưởng di sản. Do đó, khi di sản thừa kế của cha mẹ được chia theo pháp luật thì người mất tích vẫn được hưởng.
Đồng thời, nếu người bị tuyên bố mất tích trở về thì Tòa án sẽ hủy quyết định tuyên bố mất tích và người này sẽ được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý (nếu có).
Theo quy định tại Điều 70 hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích như sau:
“1. Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
2. Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.
3. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
4. Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về tư vấn thừa kế khi người thừa kế bị tuyên là mất tích, liệu rằng có được hưởng di sản thừa kế hay không? Được thể hiện qua bài viết trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà cá nhân người thừa kế thế xứng đáng được hưởng. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Đức Cường)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh,
P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn
Bài viết liên quan:
Tu vấn phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở.
Tu vấn phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở tại thanh xuân.
Tu vấn phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở tại quận nam từ liêm