KHI NÀO BÊN THUÊ NHÀ ĐƯỢC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ Ở?
KHI NÀO BÊN THUÊ NHÀ ĐƯỢC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ Ở?
Hợp đồng thuê nhà ở là loại hợp đồng thông dụng và phổ biến hiện nay, đây là một dạng cụ thể của hợp đồng thuê tài sản, là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho thuê và bên thuê. Trong quá trình thuê nhà, vì nhiều lý do khác nhau bên thuê nhà muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vậy trong trường hợp nào việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là hợp pháp và trường hợp nào là trái với quy định của pháp luật. Công ty Luật HTC Việt Nam sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết đây.
I. Cơ sở pháp lý
Bộ Luật Dân sự 2015
Luật Nhà ở 2014
II. Nội dung
Khoản 1, Điều 428 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, bên thuê nhà sẽ có quyền chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở mà không cần có sự đồng ý của bên cho thuê nhà trong trường hợp bản hợp đồng thuê nhà hai bên ký điều khoản thỏa thuận về việc bên thuê nhà được đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào hoặc có thỏa thuận về thời gian được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà tại thời điểm đó bên thuê nhà đáp ứng yêu cầu của thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp bên cho thuê nhà vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng hoặc các trường hợp pháp luật có quy định thì bên thuê nhà cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà mà không phải bồi thường thiệt hại.
Khoản 3, Điều 132 Luật Nhà ở 2014 quy định:
“ Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây:
Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận;
Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.”
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, nếu như bên cho thuê nhà ở thực hiện các hành vi như không sửu chữa nhà khi có hư hỏng nặng, tăng giá nhà thuê bất hợp lý hoặc tăng giá nhà thuê mà không báo trước, và trong trường hợp quyền sử dụng nhà ở của bên thuê bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba thì bên thuê nhà ở có đủ căn cứ để thực hiện thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn thuê.
Tuy nhiên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở, bên thuê nhà cũng cần phải gửi thông báo trước cho bên cho thuê nhà trong thời hạn 30 ngày về căn cứ chấm dứt và thời gian sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Bên cạnh đó, nêu như hợp đồng thuê nhà ở được lập thành văn bản và được công chứng tại văn phòng công chứng thì bên thuê nhà nên thêm một thông báo đến văn phòng công chứng mà hợp đồng thuê nhà ở được công chứng. Với trường hợp này, bên thuê nhà không yêu cầu văn phòng công chứng thực hiện thủ tục hủy hợp đồng thuê nhà mà nên yêu cầu văn phòng công chứng thực hiện thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Lưu ý: Khi gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà cho bên cho thuê và văn phòng công chứng bạn phải xuất trình các giấy tờ chứng cứ kèm theo chứng minh mình có căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trên đây là các quy định của pháp luật về vấn đề Khi nào bên thuê nhà được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở của công ty Luật HTC Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ chúng tôi để dược giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!
(Đường Linh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan: