GIAO KẾT HỢP ĐỒNG VỚI NGƯỜI MẮC BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT
GIAO KẾT HỢP ĐỒNG VỚI NGƯỜI MẮC BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT
Xin chào Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam, tôi có một vấn đề rất mong nhận được sự giúp đỡ của Quý công ty. Gia đình tôi có một đứa cháu tên là Nam, năm nay 23 tuổi bị chứng tâm thần phân liệt thể hưng cảm (lúc tỉnh táo bình thường lúc lại không kiểm soát được hành vi của mình). Những lúc tỉnh táo Nam vẫn sinh hoạt bình thường. Hôm trước do gia đình tôi đi vắng, cháu Nam đã bán chiếc xe máy SH i150 với giá 50 triệu đồng lấy tiền đi chơi và tiêu xài hết. Gia đình tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy liên nhắn tin tìm cháu trên đài truyền hình địa phương. Vài hôm sau, Nam về cả nhà mới biết cháu đã bán rẻ chiếc xe máy cho An để lấy tiền đi chơi. Hỏi tại sao A lại làm như vậy thì A ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra? Xin hỏi Quý công ty gia đình tôi có đòi lại được chiếc xe máy nói trên không?
Trả lời:
Xin chào bạn, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam rất hân hạnh giải đáp thắc mắc của bạn. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn qua bài viết dưới đây, hy vọng sẽ giải đáp thắc mắc của bạn.
1. Căn cứ pháp lý
Bộ Luật Dân sự 2015
2. Giải quyểt thắc mắc
Thứ nhất, việc ký kết hợp đồng với người mất năng lực hành vi dân sự
Theo quy định pháp luật hiện nay khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Theo thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì cháu bạn hiện nay đang bị mắc chứng tâm thần phân liệt thể hưng cảm, tuy nhiên lúc tỉnh táo Nam vẫn sinh hoạt bình thường. Như vậy, Nam không hoàn toàn mất năng lực hành vi dân sự mà vẫn có lúc nhận thức được. Bên cạnh đó một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Trong tình huống này thì Nam chưa được Tòa án ra quyết định tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự nên nếu gia đình bạn đòi lại chiếc xe máy trên vì lý do hợp đồng giao kết với hợp đồng mất năng lực hành vi dân sự là không có cơ sở.
Thứ hai, cách thức giải quyết
Trước tiên vụ việc này có thể giải quyết dựa trên cơ sở thỏa thuận của hai bên. Gia đình của bạn có thể liên lạc với bên anh An để thỏa thuận việc lấy lại chiếc xe máy. Nêu như hai bên không thể thỏa thuận thì cha mẹ của Nam có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự là vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
Trước khi cha mẹ Nam khởi kiện về vụ việc trên, cha mẹ Nam cần thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố Nam thuộc một trong các đối tượng: người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Căn cứ vào tình huống thì Nam không hoàn toàn bị mất năng lực hành vi dân sự mà vẫn có những lúc nhận thức được nên trường hợp này có thể xem xét Nam là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo Điều 23 BLDS 2015: “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”. Khi đó, cha hoặc mẹ Nam sẽ là người giám hộ và thay mặt Nam thực hiện các thủ tục khởi kiện tại Tòa án.
Nếu như gia đình Nam chứng minh được đồng thời Tòa án cũng công nhận được Nam là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì căn cứ vào Điều 125 BLDS 2015 quy định: “Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý”. Như vậy, giao dịch giữa Nam và anh An sẽ bị vô hiệu.
Ngoài ra, đối với việc giao kết hợp đồng mua bán xe máy thì theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư 15/2014/ TT-BCA “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực”. Theo đó, hình thức của hợp đồng mua bán xe máy phải được lập thành văn bản và được công chứng hoặc chứng thực. Căn cứ Điều 129 BLDS quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức như sau:
“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
Có thể thấy rằng, trong trường hợp văn bản mua bán xe theo quy định bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực nếu không thì sẽ bị vô hiệu, tuy nhiên khi các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch này thì có thể yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của giao dịch này theo khoản 2 Điều 129 BLDS.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về trường hợp giao kết hợp đồng với người mắc chứng tâm thần phân liệt. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hận hạnh đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Đường Linh)
---------------------------------------------------------
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Các trường hợp hợp đồng vô hiệu
Tư vấn tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu