Chia di sản thừa kế và các vấn đề thường gặp
Chia di sản thừa kế và các vấn đề thường gặp
Hiện nay, chia di sản thừa kế là một vấn đề pháp lý hết sức phổ biến và thường thấy trong đời sống. Tuy nhiên, giả sử vào một ngày nào đó bạn nhận được thông tin mình là người nằm trong danh sách được hưởng di sản thừa kế. Vậy bạn đã biết di sản thừa kế đó được phân chia như thế nào chưa? Hay liệu rằng bạn có đang thuộc đối tượng mà pháp luật cho phép được quyền hưởng di sản thừa kế đó hay không?
1. Khái niệm chia di sản thừa kế
Chia di sản thừa kế được hiểu là việc người được hưởng di sản thừa kế tiến hành phân chia di sản sau khi sự kiện cái chết của người để lại di sản xảy ra. Với điều kiện là di sản đó đã đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán cần thiết và vẫn còn dư. Phần dư ra đó chính là phần di sản dùng để chia cho những người được hưởng di sản thừa kế.
2. Quy định pháp luật về chia di sản thừa kế
2.1. Việc chia di sản thừa kế được phân chia như thế nào?
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà di sản đó có thể được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật, trong đó, ưu tiên áp dụng chia di sản theo di chúc trước, nếu không có thì sẽ tiến hành chia theo luật định. Như vậy, việc phân chia di sản thừa kế có thể được phân chia theo hai trường hợp sau:
a. Chia di sản theo di chúc
Chia di sản theo di chúc là trường hợp mà trước khi chết, người để lại di sản đã có sự chuẩn bị và chỉ định rõ đối tượng sẽ hưởng phần di sản của mình thông qua việc lập di chúc. Theo đó, tại Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015 có đưa ra quy định về việc chia di sản theo di chúc như sau:
- Trường hợp không ghi rõ tỷ lệ thực hưởng của từng đối tượng có trong di chúc: nếu xảy ra trường hợp di chúc chỉ nêu đối tượng được hưởng di sản mà lại không phân định rõ họ được hưởng với tỷ lệ bao nhiêu thì việc phân chia di sản sẽ được chia đều cho tất cả thành các phần bằng nhau.
- Đối với trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật: người thừa kế sẽ nhận hiện vật bao gồm cả hoa lợi, lợi tức từ hiện vật đó hoặc nếu như đến thời điểm phân chia tài sản mà phần giá trị của hiện vật đó bị sụt giảm đi chăng nữa thì người thừa kế đó phải chịu. Đồng thời, nếu có rủi ro xảy ra đối với hiện vật đó, chẳng hạn như bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có thể yêu cầu người gây ra thiệt hại đó bồi thường.
- Trường hợp việc phân chia di sản được xác định theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản hiện có tính tại thời điểm tiến hành phân chia di sản.
Như vậy, việc phân chia di sản theo di chúc sẽ được tiến hành theo đúng như những gì đã được ghi trong di chúc. Vì đó chính là ý chí của người để lại di chúc, hơn nữa di sản là của họ nên pháp luật sẽ tôn trọng và cho phép thực hiện theo đúng ý nguyện của cá nhân để lại di sản đó.
b. Chia di sản theo pháp luật
Ngoài trường hợp phân chia di sản theo di chúc, việc phân chia này còn được thực hiện theo quy định của pháp luật trong một số trường hợp như người để lại di sản không để lại di chúc vì lý do nào đó như qua đời đột ngột, hoặc có di chúc nhưng lại không hợp pháp,...
Đối với việc phân chia di sản theo pháp luật thì di sản này sẽ được phân chia theo thứ tự hàng thừa kế theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 trong đó phần của mỗi người trong cùng một hàng sẽ bằng với nhau. Những người hàng thừa kế sau đó chỉ được hưởng với điều kiện không còn ai ở hàng thừa kế trước đó nữa do một số nguyên nhân như đã chết hoặc không đáp ứng điều kiện hưởng di sản. Ngoài ra, việc phân chia còn được xác định theo Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Trường hợp phân chia di sản mà người thừa kế cùng hàng đã thành thai. Theo đó pháp luật dự trù cả trong trường hợp người được hưởng di sản chỉ mới là thai nhi trong bụng mẹ, thì phải tính cả phần di sản cho thai nhi đó bằng với phần của người thừa kế khác để khi sinh ra sẽ được hưởng. Còn nếu như thai nhi đó chết trước khi được sinh ra thì những người thừa kế khác sẽ hưởng phần này.
- Về quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật của người được hưởng, pháp luật cũng đã cho thấy sự tôn trọng quyền tự do thỏa thuận giữa các bên trước trong trường hợp không thể chia hiện vật này đều thành những phần bằng nhau, khi không thỏa thuận được thì mới tiến hành bán hiện vật đi để dễ chia hơn.
2. Ai là người có quyền được hưởng chia di sản thừa kế theo pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật sẽ bao gồm những đối tượng thuộc hàng thừa kế theo thứ tự như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất sẽ là vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người để lại di sản thừa kế
- Hàng thừa kế thứ hai sẽ là ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người để lại di sản; trong trường hợp người để lại di sản là ông bà nội hoặc ông bà ngoại thì sẽ là cháu ruột của người đó.
- Hàng thừa kế thứ ba sẽ là cụ nội, cụ ngoại của người để lại di sản; bác hoặc chú ruột, là cậu hoặc cô hoặc dì ruột của người để lại di sản; Nếu người chết là là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột thì đó là cháu ruột của người để lại di sản; là chắt ruột của người chết mà người đó chính là cụ nội, cụ ngoại
Theo đó, những đối tượng được nêu trong từng hàng thừa kế trên sẽ được hưởng di sản thừa kế chia theo pháp luật.
3. Các trường hợp không được chia di sản thừa kế
Không phải bất kì ai cũng có thể được hưởng di sản thừa kế, mà trong một số trường hợp mang tính chất đặc biệt, họ sẽ là đối tượng không được chia phần di sản này. Cụ thể sẽ bao gồm các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Người bị kết án về một số hành vi liên quan đến việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc có hành vi mang tính chất ngược đãi đối với người để lại di sản
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa liên quan đến đạo đức đó là nghĩa vụ về nuôi dưỡng người để lại di sản
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác với mục đích chiếm đoạt phần di sản mà người bị hại đó đáng lẽ sẽ được hưởng
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn không cho người để lại di sản tiến hành lập di chúc; hoặc tự ý sửa chữa di chúc theo ý mình, hoặc hủy che giấu di chúc với mong muốn hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản không theo đúng như ý chí của người để lại di sản.
Như vậy, những đối tượng rơi vào trường hợp vừa nêu trên sẽ không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Bởi lẽ, pháp luật cho rằng nhân cách của họ không xứng đáng để được hưởng lợi từ phần di sản mà người mất đã để lại. Đồng thời cũng thể hiện được sự công bằng và văn minh cho xã hội. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý theo khoản 2 Điều này, rằng mặc dù người lập di chúc biết được những hành vi, bản chất của những đối tượng rơi vào những trường hợp nêu trên nhưng vẫn mong muốn để lại di sản cho họ và ghi rõ trong di chúc thì họ vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế.
III. Những thắc mắc thường gặp về chia di sản thừa kế
1. Nếu di sản thừa kế không có người thừa kế thì phần di sản đó phải được xử lý như thế nào?
Di sản không có người thừa kế sẽ thuộc vào các trường hợp bao gồm người để lại di sản đã không để lại di chúc, hoặc có lập nhưng di chúc đó lại không hợp pháp; người để lại di sản không có ai nằm trong hàng thừa kế để phân chia theo theo pháp luật hoặc có nhưng họ lại là những người nằm trong nhóm đối tượng không được quyền hưởng di sản như đã phân tích ở trên; có người thừa kế di sản nhưng người đó lại từ chối nhận. Một khi di sản không có người tiếp nhận thì việc xử lý di sản này sẽ tuân thủ theo Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, sau khi đã thực hiện xong tất cả các nghĩa vụ về tài sản mà không có ai nhận thừa kế thì phần di sản này sẽ chính thức thuộc sở hữu của Nhà nước.
2. Người có tên trong sổ hộ khẩu có được hưởng di sản thừa kế của những người khác trong cùng hộ khẩu hay không?
Như đã phân tích ở trên thì việc chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện thông qua một trong hai cách thức đó là theo di chúc hoặc theo pháp luật. Do đó, việc người đó có tên trong sổ hộ khẩu hay không, không là căn cứ để họ được hưởng di sản thừa kế. Bởi vì trường hợp chia di sản theo pháp luật thì chỉ áp dụng cho đối tượng nằm trong hàng thừa kế. Nếu như hàng thứ nhất không có ai thì hàng thứ hai sẽ được hưởng, sau đó đến hàng thừa kế thứ ba. Tóm lại, người có tên trong sổ hộ khẩu chưa chắc đã được hưởng di sản của những người khác trong cùng hộ khẩu, trừ khi họ có quan hệ với người để lại di sản hay nói cách khác là thuộc hàng thừa kế của người để lại di sản.
3. Người bị bệnh tâm thần có được hưởng di sản thừa kế không? Tài sản thừa kế của người bị tâm thần do ai quản lý?
Xét theo quy định về đối tượng không được quyền hưởng di sản thừa kế như đã đề cập trước đó, có thể thấy pháp luật không ngăn cấm việc người mắc bệnh tâm thần thì không được hưởng di sản thừa kế. Do đó, người bị bệnh tâm thần vẫn có quyền được hưởng di sản thừa kế.
Tuy nhiên, vì là người mất năng lực hành vi dân sự nên họ không thể tự quản lý tài sản của mình được mà tài sản này sẽ do người giám hộ của họ quản lý căn cứ theo khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015.
Cam kết chất lượng dịch vụ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hoạt động với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
- Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Bùi Phạm Hồng Ngọc; Ngày viết: 19/09/2024)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0989.386.729
Email: [email protected]
Website: https://htcvn.vn; https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Thẻ từ khóa: Di sản thừa kế, phân chia, tranh chấp, pháp lý, hưởng di sản, pháp luật, đất đai, tài sản, kiện tụng, trái pháp luật, hợp pháp, di san, thua ke, phan chia, phap ly.
Thẻ mô tả: Hiện nay, chia di sản thừa kế là một vấn đề pháp lý hết sức phổ biến và thường thấy trong đời sống. Tuy nhiên, giả sử vào một ngày nào đó bạn nhận được thông tin mình là người nằm trong danh sách được hưởng di sản thừa kế. Vậy bạn đã biết di sản thừa kế đó được phân chia như thế nào chưa? Hay liệu rằng bạn có đang thuộc đối tượng mà pháp luật cho phép được quyền hưởng di sản thừa kế đó hay không?
Các bài viết liên quan:
Tư vấn trường hợp một người không đồng ý khi chia thừa kế
Dịch vụ tư vấn chia thừa kế, lập di chúc hợp pháp
5 điều quan trọng cần biết khi chia tài sản thừa kế (di sản) theo pháp luật