CHA MẸ BÁN NHÀ CÓ CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CÁC CON KHÔNG?
CHA MẸ BÁN NHÀ CÓ CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CÁC CON KHÔNG?
Thực tế hiên nay, khi cha mẹ và con cái sống chung dưới một mái nhà rất ít quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình đối với các giao dịch nhà ở. Khi bán nhà rất nhiều người lúng túng trong việc xác định chủ sở hữu căn nhà cũng như quyền của các thành viên đối với việc bán nhà đó. Vậy thì cha mẹ bán nhà có cần sự đồng ý của các con không? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này qua bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015
II. Nội dung
Để xác định quyền và nghĩa vụ của con cái khi cha mẹ bán nhà trước tiên cần xác định căn nhà đó do ai sở hữu. Việc xác định chủ sở hữu nhà ở sẽ căn cứ vào việc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở ghi tên ai.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp cho chủ sở hữu theo quy định: Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sở hữu đất ở, chủ sở hữu căn hộ chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sở dụng đất thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
1. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mang tên cá nhân bố mẹ
Điều 158 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: ”Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”
Khoản 2, Điều 162 Bộ luật này cũng quy định: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”
Điểm d, khoản 1, điều 10 Luật Nhà ở 2014 quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở: “Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó”
Do vậy, nêu như ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của bố mẹ thì bố mẹ sẽ có các quyền của chủ sở hữu nhà ở gồm: chiếm hữu đối với nhà ở; sử dụng nhà ở; bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý, thế chấp nhà ở thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật; bảo trì, cải tạo, phá dỡ hoặc xây dựng lại nhà ở và sử dụng không gian của nhà ở phù hợp với quy hoạch xây dựng, kiến trúc và các quy định của pháp luật có liên quan…
Những quyền trên của bố mẹ không liên quan đến những thành viên khác trong hộ gia đình. Như vậy, bố mẹ có toàn quyền tự đứng ra bán ngôi nhà thuộc sở hữu của mình với các điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật; các con (dù là con ở trong nước hay con ở nước ngoài) không có quyền cũng như nghĩa vụ gì trong việc này.
2. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mang tên hộ gia đình ông/bà
Như vậy, ngôi nhà sẽ trở thành sở hữu chung của hộ gia đình bố mẹ (gồm tất cả những thành viên trong hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở).
Khoản 2, Điều 212 Bộ luật Dân sự quy định: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.”
Căn cứ vào quy định trên khi làm thủ tục định đoạt tài sản chung (cụ thể trường hợp này là mua bán nhà ở) của hộ gia đình tại cơ quan công chứng thì cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ gia đình đó. Trường hợp hộ gia đình có thành viên chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì cần có sự đồng ý của người giám hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015. Yêu cầu này được đặt ra nhằm đảm bảo an toàn cho văn bản công chứng cũng như đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thành viên của hộ gia đình.
Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc xác định thành viên trong hộ gia đình. Nhưng thực tế, các tổ chức công chứng, các văn phòng đăng ký nhà đất đều dựa vào sổ hộ khẩu để xác định chủ thể ký hợp đồng mua bán nhà ở cấp cho hộ gia đình.
Như vậy, trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mang tên hộ gia đình bố mẹ thì cần căn cứ vào sổ hộ khẩu của bố mẹ tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà để xác định những thành viên có quyền định đoạt đối với ngôi nhà. Nếu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mà các con đều có trong sổ hộ khẩu thì tất cả mọi người (bố mẹ và các con) đều có quyền định đoạt ngôi nhà trên. Trường hợp này khi bố mẹ bán nhà cần có sự đồng ý của các con và nếu đồng ý thì phải ký tên vào hợp đồng bán nhà.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về trường hợp cha mẹ bán nhà có cần sự đồng ý của con cái không? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hận hạnh đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Đường Linh)
---------------------------------------------------------
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan: