CÁCH XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TÀI SẢN VÔ CHỦ, TÀI SẢN KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CHỦ SỞ HỮU.
Quyền sở hữu là một chế định quan trọng trong Bộ luật dân sự. Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Vậy cách xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu thực hiện như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp băn khoăn trong bài viết sau.
I. Cơ sở pháp lí.
- Bộ Luật Dân sự năm 2015.
II. Nội dung tư vấn.
1. Quy định pháp luật về tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu.
Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Như vậy, để khẳng định tài sản là vật vô chủ thì phải xác định được việc từ bỏ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu. Trong đó thái độ chủ quan của chủ sở hữu đối với việc bỏ lại tài sản phải là cố ý. Nếu chủ sở hữu bỏ lại tài sản một cách vô ý thì tài sản được xác định là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên. Việc xác lập quyền sở hữu cho người nhặt được tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Dân sự.
Tài sản không xác định được chủ sở hữu là trường hợp không biết ai là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hợp pháp đối với tài sản và không có căn cứ để xác định việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu.
2. Căn cứ xác lập quyền sở hữu.
- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
- Thu hoa lợi, lợi tức.
- Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
- Được thừa kế.
- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
- Chiếm hữu, được lợi về tài sản trong trường hợp 10 năm với động sản, 30 năm với bất động sản.
Như vậy nếu như đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ hoặc tài sản không xác định được chủ sở hữu thì có quyền xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản này.
3. Cách xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu.
Theo quy định của pháp luật tại Điều 228 Bộ luật Dân sự có quy định về Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu.
Đối với tài sản vô chủ
- Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với tài sản bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.
- Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác. Nếu như tài sản vô chủ là bất động sản thì bất động sản đó sẽ thuộc về Nhà nước.
Đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu
Việc thực hiện xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu được thực hiện như sau:
- Thông báo công khai cho chủ sở hữu tài sản
+Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
+Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.
- Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu
+ Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.
+ Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
+ Nhưng nếu như người phát hiện tài sản mà không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân xã hoặc công an cấp xã nơi gàn nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về cách xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Bích Ngọc)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
- Tư vấn xác đinh chủ sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu.