Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1. Khái niệm về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp

Để làm rõ khái niệm bảo vệ QSHCN, trước hết chúng ta cần làm rõ khái niệm về bảo hộ, thực thi QSHCN.

Trong Công ước Paris, bảo hộ QSHCN bao gồm các đối tượng là sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn xuất xứ hoặc tên gọi xuất xứ hàng hóa, cũng như việc ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ “bảo hộ” được hiểu theo nghĩa thông thường là “che chở, không để bị hư hỏng, tổn thất”. Việc bảo hộ luôn được gắn với sự quản lý của nhà nước thông qua các giải pháp để bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ bằng chính sách, pháp luật mà mỗi quốc gia dành cho công dân hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, cư trú ở nước đó.

Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học của trường Đại học Luật Hà Nội thì: bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là bảo hộ sản phẩm trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể QSHCN như tác giả, chủ văn bằng bảo hộ và người sử dụng hợp pháp đối tượng QSHCN.

Do vậy, bảo hộ QSHCN được hiểu là nhà nước, bằng những quy định của pháp luật xác lập QSHCN (cấp văn bằng bảo hộ), xác định những hành vi bị coi là xâm phạm QSHCN và quy định những biện pháp xử lý những hành vi vi phạm đó.

Một khái niệm khác có liên quan đến SHCN đó là thực thi QSHCN. Trong hoạt động SHCN, việc bảo đảm các điều kiện cần thiết để các chủ thể của QSHCN thực hiện các quyền của mình trong phạm vi và thời hạn được pháp luật thừa nhận được gọi là hoạt động thực thi QSHCN (Industrial Property Enforcement).

Thực thi QSHCN là việc thực hiện pháp luật về SHCN, thông qua sự bắt buộc các chủ thể phải hoàn toàn tuân thủ, chấp hành pháp luật dù muốn hay không muốn. Nói tới thực thi QSHCN là nói tới trình tự, thủ tục mà các chủ thể phải tuân theo, cũng như các biện pháp xử lý, các chế tài do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng khi có hành vi vi phạm.

Xét về bản chất, nội dung quan trọng nhất của QSHCN là độc quyền sử dụng, khai thác đối tượng thuộc quyền. Vì vậy, thực thi QSHCN cũng có nghĩa là đảm bảo quyền khai thác, sử dụng đối tượng QSHCN của chủ thể nắm giữ quyền đó sao cho khi tiến hành việc khai thác sử dụng, người nắm giữ quyền không gặp phải sự cản trở từ phía người thứ ba.

Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thi hành, vấn đề thực thi QSHCN được tiếp cận và giải quyết theo hướng bảo đảm các điều kiện ngăn ngừa và ngăn chặn việc người thứ ba (người không nắm giữ quyền) khai thác, sử dụng các đối tượng QSHCN đang trong thời hạn bảo hộ nhằm mục đích kinh doanh mà không được phép của người nắm giữ quyền và không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép sử dụng. Như vậy, mục đích của thực thi QSHCN là ngăn ngừa và xử lý các hành vi bị coi là xâm phạm QSHCN, tạo ra sức sống trên thực tế cho các quy phạm pháp luật về SHCN.

Trong Luật SHTT, bên cạnh việc quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các phần từ Phần thứ nhất đến Phần thứ tư, thì tại Phần thứ năm của Luật SHTT còn quy định về “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.

Theo Từ điển tiếng Việt, “bảo vệ” là “chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn”. Trong Luật SHTT, các quy định về bảo vệ quyền SHTT bao gồm các nội dung như: quy định chung về bảo vệ QSHTT; xử lý xâm phạm QSHTT bằng các biện pháp dân sự; xử lý xâm phạm QSHTT bằng các biện pháp hành chính và hình sự; kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT. Từ các nội dung trên, có thể hiểu bảo vệ QSHTT nói chung và bảo vệ QSHCN nói riêng là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thông qua hệ thống chính sách và pháp luật, bảo vệ các quyền và các lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu QSHCN nhằm chống lại bất kỳ sự vi phạm nào của phía thứ ba.

Tóm lại, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là bằng những quy định của pháp luật, Nhà nước xác định những hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và quy định các biện pháp xử lý những hành vi vi phạm đó, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác trong hoạt động sở hữu công nghiệp.

Bảo vệ QSHCN hiện nay là đòi hỏi khách quan, không chỉ nhằm bảo vệ quyền của người sáng tạo, mà còn là cơ chế bảm bảo sự công bằng, thúc đẩy hoạt động sáng tạo tìm tòi của con người, góp phần bảo đảm một nền thương mại bình đẳng, dựa trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh; góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ hợp pháp, qua đó nâng cao sự phát triển của toàn xã hội.

2. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp

Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, vi phạm hoặc tranh chấp về sở hữu công nghiệp, có thể áp dụng một hoặc một số trong ba loại trình tự pháp luật sau đây với mục đích nhằm bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp: bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự (tiến hành các vụ kiện theo thủ tục dân sự); bảo vệ QSHCN bằng biện pháp hành chính (đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính) và bảo vệ QSHCN bằng biện pháp hình sự (xét xử tội phạm về sở hữu công nghiệp). Cụ thể:

2.1. Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính

Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp theo trình tự hành chính (bằng biện pháp hành chính) là thủ tục xử lý hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bằng việc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, hay nói cách khác là các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính, là các cơ quan thuộc hệ thống hành pháp có chức năng liên quan đến quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính không chỉ căn cứ vào đơn yêu cầu của chủ thể quyền bị xâm phạm mà còn chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp (trong đó có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) trong quá trình thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra các đối tượng thuộc quyền quản lý của mình theo chức năng được pháp luật quy định hoặc theo đơn tố cáo của công dân để xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp là hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định về bảo hộ (xâm phạm quyền) và quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự của mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia đều bị xử phại hành chính.

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp gồm các hình thức sau:

(i) Hình thức xử phạt chính là: Cảnh cáo hoặc phạt tiền;

(ii) Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn giấy phép có liên quan đến hoạt động sở hữu công nghiệp; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp;

(iii) Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ vật phẩm, hàng hoá vi phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện kinh doanh...

2.2. Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp dân sự

Như phần trên đã đề cập, các đối tượng sở hữu công nghiệp được coi là một loại tài sản và quyền sở hữu công nghiệp có bản chất là một loại quyền sở hữu tài sản. Bởi vậy, quyền sở hữu công nghiệp trước hết và chủ yếu là một loại quyền dân sự. Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cũng theo các nguyên tắc bảo vệ các quyền dân sự khác. Theo nguyên tắc này, người chiếm giữ quyền sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền phải tự chấm dứt vi phạm, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền của mình khi người xâm phạm nhận được yêu cầu xong không chấm dứt hành vi vi phạm. Để nhận được sự bảo vệ như vậy, người nắm giữ quyền phải chỉ ra người xâm phạm, phải chứng minh hành vi xâm phạm và có quyền đưa ra các yêu cầu về hình thức xử lý, nhưng trước hết bản thân người nắm giữ quyền phải chủ động tự mình tiến hành việc theo dõi, giám sát thị trường để phát hiện người và nơi đã thực hiện hành vi xâm phạm để cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Cơ quan có thẩm quyền chỉ chấp nhận xử lý theo yêu cầu của người nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp khi hành vi xâm phạm quyền được người đó chứng minh thông qua việc cung cấp chứng cứ.

Thông thường, các vụ kiện dân sự đều được giải quyết tại Toà án. Tại Việt Nam, theo các văn bản về tố tụng dân sự thì các tranh chấp dân sự liên quan đến sở hữu công nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 26, 30 và 35 BLTTDS 2015).

Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo trình tự dân sự: Tuỳ theo tính chất, nội dung và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình, người nắm giữ quyền có thể yêu cầu Toà án áp dụng và thực hiện một hoặc một số biện pháp xử lý sau:

(i) Bắt buộc người xâm phạm (bị đơn) chấm dứt hành vi xâm phạm, kể cả các biện pháp ngăn ngừa việc đưa các sản phẩm xâm phạm vào các kênh thương mại, nếu sản phẩm đó đã được nhập khẩu và hoàn tất thủ tục hải quan;

(ii) Bắt buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại, kể cả khoản lợi nhuận đáng lẽ mình thu được khi không xảy ra hành vi xâm phạm của bị đơn;

(iii) Bắt buộc bị đơn phải trả cho mình chi phí tham gia vụ kiện, kể cả chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Nhằm đối phó với tình trạng tẩu tán, tiêu huỷ tang vật xâm phạm hoặc tẩu tán tài sản dùng để thi hành lệnh xử lý hoặc bồi thường trong các tình huống đặc biệt, người có quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm có thể yêu cầu Toà án ra lệnh áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nội dung của biện pháp tạm thời có thể là:

(i) Tạm giữ hàng hoá, sản phẩm bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi có căn cứ để nghi ngờ rằng bên xâm phạm có thể tẩu tán hoặc tiêu huỷ các hàng hoá, sản phẩm đó;

(ii) Lục soát nơi tàng trữ hàng hoá bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc nơi mà bị đơn kiểm soát với điều kiện là có cơ sở để tin rằng ở đó có tàng trữ chứng cứ và có nguy cơ chứng cứ đó bị thủ tiêu;

(iii) Tạm thời niêm phong thiết bị, phương tiện được dùng để thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;

(iv) Tạm thời phong toả tài khoản của bị đơn nhằm bảo đảm tài chính để khắc phục hậu quả hoặc đền bù thiệt hại do việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra.

Tuy nhiên, để thuyết phục Toà án thực hiện việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì người yêu cầu phải chứng minh nguy cơ mà nếu không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ đe doạ việc tiến hành xét xử hoặc cản trở việc thi hành các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả thi hành án sau này và phải cam kết đền bù mọi thiệt hại cho bên bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không xác đáng hoặc bị lạm dụng. Thông thường, người yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp một khoản tiền bảo chứng đủ để đền bù thiệt hại và bảo vệ lợi ích của bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách thoả đáng khi yêu cầu đó không xác đáng. Và quyền buộc người đã yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải bồi thường thiệt hại do việc áp dụng các biện pháp đó gây ra cho người đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu biện pháp đó bị huỷ bỏ hoặc đình chỉ do bất kỳ lý do nào thuộc về người yêu cầu, thuộc về cơ quan tư pháp.

Mọi quyết định của Toà án về việc giải quyết vụ kiện dân sự về sở hữu công nghiệp đều phải được thể hiện bằng văn bản và được thông báo kịp thời cho các bên liên quan. Các bên có liên quan đều có quyền kháng án theo trình tự pháp luật.

2.3. Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hình sự

Trong trường hợp việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội và việc sử dụng chế tài hành chính không đủ để trừng phạt và răn đe người xâm phạm thì phải áp dụng biện pháp có chế tài mạnh hơn. Biện pháp hình sự, tức là coi người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đó là tội phạm và việc điều tra, xét xử loại tội phạm này phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Các tội phạm hình sự liên quan đến QSHCN quy định trong Bộ luật hình sự bao gồm: Tội sản xuất và buôn bán hàng giả (Điều 192); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm ( Điều 193 ); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195); Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225) ;Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226).

Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của việc phạm tội, mức phạt có thể được áp dụng là phạt tiền hoặc phạt tù tương ứng với hành vi phạm tội quy định tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Biện pháp hình sự mặc dù có tác dụng ngăn chặn và răn đe lớn đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN vì hình phạt của biện pháp hình sự thường nặng hơn rất nhiều so với hai biện pháp còn lại là dân sự và hành chính song biện pháp này cũng có những khó khăn riêng.

Trong thực tế, việc chứng minh lợi nhuận của người có hành vi xâm phạm quyền SHCN là khó khăn vì những đối tượng này thường ít sử dụng giấy tờ, sổ sách phục vụ thu thập chứng cứ chứng minh lợi nhuận.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

NTĐ

Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn



Gọi ngay

Zalo