Tư vấn về trình tự, thủ tục thuận tình ly hôn
Tư vấn về trình tự, thủ tục thuận tình ly hôn
Hôn nhân lý tưởng là sự kết hợp thiêng liêng giữa nam và nữ trên cơ sở tình yêu, sự hòa hợp về quan điểm, cách sống và chia sẻ trách nhiệm chung để cùng xây dựng một gia đình và chung sống lâu dài. Tuy vậy, qua quá trình chung sống, sự hòa hợp dần mất đi, nền tảng tình yêu dần mờ nhạt, phát sinh nhiều mâu thuẫn. Khi không còn sự thông cảm, kiên nhẫn và quan trọng nhất là không còn tình yêu thì nguy cơ tan vỡ gia đình sẽ xảy ra. Trong trường hợp này, nếu không có những tranh chấp quá lớn, ly hôn thuận tình, nghĩa là vợ chồng cùng thỏa thuận việc ly hôn để chấm dứt mối quan hệ hôn nhân, thường được lựa chọn để giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức cho cả hai bên.
1. Thuận tình ly hôn là gì
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn mà cả vợ và chồng cùng yêu cầu chấm dứt hôn nhân, được thể hiện bằng đơn thuận tình ly hôn của vợ chồng. Như vậy, khác với ly hôn đơn phương, thuận tình ly hôn là thủ tục ly hôn mà hai bên vợ chồng đã có sự đồng thuận về việc giải quyết ly hôn, về quyền nuôi con và vấn đề phân chia tài sản chung, cách giải quyết nợ chung của hai bên.
2. Điều kiện giải quyết thuận tình ly hôn
Sự tự nguyện của vợ chồng là điều kiện để toà án công nhận ly hôn đồng thuận. Do vậy tòa án sẽ xem xét cho thuận tình ly hôn nếu có đủ cả 3 yếu tố sau:
- Vợ chồng tự nguyện ly hôn và ký vào đơn ly hôn;
- Đã thỏa thuận được người nuôi con và mức cấp dưỡng cho con, sự thỏa thuận này phải đảm bảo được quyền lợi cho các bên và cho con;
- Đã thỏa thuận được vấn đề phân chia tài sản hoặc chưa thỏa thuận được nhứng không yêu cầu tóa án giải quyết tài sản. Trường hợp vợ chồng đã thỏa thuận được vấn đề tài sản và có mong muốn tòa án công nhận thì có thể viết vào đơn đề nghị tòa án công nhận sự thỏa thuận này.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được xác định là việc dân sự. Do đó, để được Tòa án giải quyết thì hai vợ chồng phải chuẩn bị các loại giấy tờ, hồ sơ như sau:
- Đơn xin ly hôn thuận tình
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính)
- CMND hoặc hộ chiếu (bản sao có công chứng)
- Sổ hộ khẩu (bản sao có công chứng)
- Giấy khai sinh của các con (bản sao có công chứng)
- Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (bản sao có công chứng)
Vợ chồng nộp đầy đủ hồ sơ ly hôn nói trên đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của vợ hoặc chồng trong trường hợp vợ, chồng là công dân Việt Nam hoặc trường hợp một bên vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam và bên còn lại là công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới Việt Nam. Trường hợp thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài khác thì vợ, chồng nộp hồ sơ ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của vợ hoặc chồng để được giải quyết.
4. Trình tự, thủ tục giải quyết việc thuận tình ly hôn
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền
Bước 2: Nộp lệ phí và thụ lý vụ án
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, Thẩm phán sẽ ra thông báo nộp lệ phí; trong vòng 05 ngày làm việc, hai vợ chồng phải hoàn thành nộp lệ phí và nộp biên lai cho Tòa án.
Trong thời hạn 03 ngày làm vệc kể từ ngày thụ lý, các đương sự sẽ được thông báo về việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Bước 3: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý, Tòa án tiến hành mở phiên hòa giải. Trong thời gian này, Tòa án sẽ phải tiến hành hòa giải theo quy định pháp luật
Khi đó, Thẩm phán sẽ tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, giải thích quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ với con, về trách nhiệm cấp dưỡng…
Bước 4: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Trong trường hợp hòa giải đoàn tụ thành, vợ chồng sẽ đoàn tụ với nhau thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn. Nếu hòa giải đoàn tụ không thành, vợ chồng vẫn muốn ly hôn, vợ chồng thỏa thuận được về vấn đề tài sản và quyền lợi của con thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật. Nếu không thỏa thuận được tòa án sẽ đình chỉ vụ việc dân sự về thuận tình ly hôn chuyển qua thụ lý vụ án.
Cam kết chất lượng dịch vụ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hoạt động với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
- Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Nguyễn Việt Hà/Số thực tập sinh; Ngày viết: 07/04/2024)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htcvn.vn; https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
___________________________________________
Bài viết liên quan:
- Thủ tục tư vấn thuận tình ly hôn
- Vì sao nên nhờ luật sư tư vấn thay đổi người nuôi con sau ly hôn
- Lợi ích khi mời luật sư tư vấn thủ tục ly hôn thuận tình