Các hình thức thu hồi nợ khó đòi
Kính thưa Quý khách hàng!
Lời đầu tiên, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam xin gửi đến Quý khách hàng lời chào trân trọng nhất. Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi.
I. YÊU CẦU CỦA QUÝ KHÁCH HÀNG.
Theo nội dung mà khách hàng cung cấp và cần tư vấn về các hình thức thu hồi nợ như sau: “Công ty chúng tôi là Công ty TNHH B là công ty Việt Nam, có địa chỉ trụ sở chính tại Hà Nội, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Trong quá trình hoạt động Công ty chúng tôi ký hợp đồng cho Công ty T vay tiền trong thời hạn 6 tháng. Đến nay đã quá hạn theo hợp đồng nhưng công ty T vẫn chưa thanh toán khoản nợ cho Công ty chúng tôi. Vậy có những hình thức nào để Công ty chúng tôi thu hồi nợ từ Công ty T?”.
Qua thông tin trao đổi với Quý khách hàng, chúng tôi hiểu rằng: Quý khách hàng mong muốn Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cung cấp dịch tư vấn về các hình thức thu hồi nợ.
II. NỘI DUNG TƯ VẤN PHÁP LÝ CỦA HTC VIỆT NAM:
1. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13;
- Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
2. HTC Việt Nam xin tư vấn cho quý khách hàng vấn đề về các hình thức thu hồi nợ:
2.1. Thu hồi nợ là gì? Ý nghĩa của việc thu hồi nợ
- Thu hồi nợ là việc chủ nợ yêu cầu khách nợ thanh toán các khoản tiền, tài sản khác đến hạn hoặc quá hạn theo hợp đồng/ thỏa thuận giữa chủ nợ và khách nợ; hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án và đã có bản án hoặc quyết định.
- Ý nghĩa của việc thu hồi nợ:
+ Đảm bảo sự lành mạnh và an toàn về tài chính của cá nhân, doanh nghiệp;
+ Đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp, tài chính của cá nhân.
+ Giúp vận hành bộ máy hoạt động hiệu quả và tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2.2. Các hình thức thu hồi nợ
2.2.1. Thu hồi nợ qua đàm phán, thương lượng
- Thu hồi nợ qua đàm phán thương lượng là hình thức thu hồi các khoản nợ bằng kỹ năng thông qua việc tác động tới khách nợ về mặt tình cảm, tâm lý, đồng thời vẫn đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp đối với khách hàng.
Hình thức này là được ưu tiên sử dụng khi bắt đầu tiến hành thực hiện công tác thu hồi nợ bởi vì đây được xem là hình thức nhanh chóng và ít tốn kém chi phí nhất. Bằng hình thức này, các bên trong tranh chấp sẽ tiến hành đàm phán, thương lượng để tìm ra cách thức xử lý phù hợp nhất đối với khoản nợ tùy theo khả năng thực tế của các bên.
- Các bước đàm phán, thương lượng gồm:
* Bước 1: Chuẩn bị đàm phán
Giai đoạn này bao gồm: nghiên cứu hồ sơ, sắp xếp hồ sơ, đánh giá hồ sơ, tìm hiểu về khách nợ, đặt ra mục tiêu và các quy trình đàm phán.
* Bước 2: Tiếp xúc với khách nợ
Bao gồm: gọi điện, email, đặt lịch hẹn làm việc trực tiếp với khách nợ.
Đa số các trường hợp, quá trình tiếp xúc trực tiếp khách nợ thường kéo dài. Do đó, mỗi quá trình thương lượng với khách nợ đều rất quan trọng, người phụ trách thu hồi nợ cần có kỹ năng đàm phán thương lượng, hiểu rõ ở mỗi quá trình cần phải làm gì. Cụ thể:
- Thương lượng thông qua việc tác động vào tình cảm, tâm lý:
+ Địa điểm gặp gỡ: nên để khách nợ lựa chọn địa điểm trước. Bởi lẽ, trong giai đoạn đầu của quá trình thương lượng cần bảo mật thông tin cho khách nợ cũng như giữ thể diện, uy tín cho khách nợ. Đây là vấn đề tế nhị, đôi khi khách nợ không muốn để người thân, đồng nghiệp, bạn bè, … biết về điều này;
+ Thái độ của người thu hồi nợ cần cởi mở, nhẹ nhàng, đánh vào tình cảm và sự tự trọng của khách nợ. Tuyệt đối không nên nhắc đến pháp luật, không có thái độ đe dọa khách nợ;
- Thương lượng bằng cách tác động bên thứ ba:
Việc tác động hướng đến thể diện và uy tín một cách gián tiếp cũng là một hình thức khá hiệu quả, thông qua bên thứ ba.
Bên thứ ba ở đây có thể là những người có uy tín đối với khách nợ, người có ảnh hưởng trong việc làm ăn với khách nợ như đối tác làm ăn, đồng nghiệp, hoặc người thân trong gia đình.
- Thương lượng bằng cách gây sức ép:
Biện pháp này thường áp dụng trong trường hợp khách nợ không chịu hợp tác và cố tình không trả nợ. Bằng cách gây sức ép lên uy tín của khách nợ thông qua hình thức truyền thông, mạng xã hội,…
Lưu ý: Tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp sau:
+ Đe dọa, dùng vũ lực để thu tài sản của khách nợ. Thuê người dùng bạo lực (xã hội đen) để dằn mặt khách nợ;
+ Đánh đập, chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của khách nợ;
+ Tụ tập đám đông hò hét, cản trở hoạt động kinh doanh, cản trở giao thông gây thiệt hại cho người khác.
2.2.2. Thu hồi nợ bằng pháp lý
- Thu hồi nợ bằng pháp lý là hình thức thu hồi các khoản nợ bằng việc thực hiện theo các quy định của pháp luật. Căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng hoặc thỏa thuận khác đã ký kết giữa các bên để buộc khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Cách thu hồi nợ bằng phương pháp pháp lý bao gồm: Khởi kiện hoặc Tố giác thông qua thủ tục tố tụng tại Tòa án hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để buộc khách nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Hình thức này thường được áp dụng đối với các khoản nợ khó đòi (nợ xấu) vì cần có những biện pháp pháp lý khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn bên vay nợ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
- Ưu điểm:
+ Đây là giải pháp được áp dụng hiệu quả, đảm bảo đúng quy định pháp luật, giúp thu hồi được các khoản nợ khó đòi, giải quyết các khoản nợ phức tạp.
+ Người phụ trách thu hồi nợ bằng pháp lý thường là các Luật sư hoặc Chuyên viên có đủ kiến thức về pháp lý.
Họ vận dụng kiến thức và kinh nghiệm pháp luật để thực hiện các công việc thu hồi nợ như: xác minh tài sản; xem xét tính pháp lý của hồ sơ;… cũng như có khả năng vận động các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phối hợp trong hoạt động thu hồi nợ.
+ Đây là biện pháp sẽ được áp dụng khi nỗ lực thương lượng, thuyết phục không thành, khách nợ cố tình lẩn tránh hoặc có kế hoạch thanh toán nhưng thanh toán chậm và kéo dài.
Đối với các trường hợp khách nợ cố tình tẩu tán tài sản thì phương pháp thu hồi nợ bằng pháp lý là phương pháp tối ưu, đem lại nhiều hiệu quả nhất.
+ Thu hồi nợ bằng pháp lý còn được dùng để gây áp lực lên khách nợ bằng việc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng biện pháp hạn chế một số quyền dân sự của khách nợ, tác động đến tâm lý để thu hồi nợ nhanh chóng như cấm xuất cảnh đối với khách nợ,…
Do đó, thu hồi nợ bằng pháp lý là một giải pháp nên được ưu tiên áp dụng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho doanh nghiệp.
Lưu ý: Việc thu hồi nợ qua Toà án chỉ được thực hiện sau khi bên cho vay đã cố gắng tiến đến một thỏa thuận với bên vay. Phương thức này đòi hỏi bên cho vay phải tập hợp đầy đủ các chứng cứ pháp lý và đương nhiên sẽ tốn về thời gian lẫn chi phí Tòa án.
Các doanh nghiệp có thể tự mình thu hồi công nợ hoặc quyết định sử dụng dịch vụ thu hồi nợ từ công ty luật. Nếu doanh nghiệp tự mình thu hồi công nợ thì cần chuẩn bị hồ sơ thu hồi nợ và phải lường trước được các phản ứng của khách nợ để có phương hướng giải quyết.
Với nhu cầu thu hồi các khoản nợ mau chóng, dứt điểm và hiệu quả, doanh nghiệp nên tìm đến đơn vị thu hồi nợ chuyên nghiệp và uy tín để hỗ trợ.
2.3. Báo giá chi tiết:
Vui lòng liên hệ qua sđt: 0989.386.729 hoặc email:[email protected] để được báo giá chi tiết.
III. Bảo mật
Mọi thông tin, trao đổi liên lạc, các tài liệu và các thỏa thuận giữa các Bên sẽ được cam kết giữ bảo mật tuyệt đối và chỉ được trao đổi với Bên thứ Ba khác khi có sự chấp thuận của cả Hai Bên bằng văn bản.
Trên đây là nội dung đề xuất dịch vụ của HTC Việt Nam về những nội dung yêu cầu của Quý khách hàng. Kính mong Quý khách xem xét và chấp thuận. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung đề xuất dịch vụ này, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được phúc đáp.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
Đỗ Thị Lan Anh/162; Ngày viết: 23/8/2021
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------------------------------------------------------------
Xem thêm các bài viết liên quan: