Các chuyên gia nói gì sau vụ bác sỹ bị tố “xâm hại” khi khám sức khỏe cho nữ sinh?
Các chuyên gia nói gì sau vụ bác sỹ bị tố “xâm hại” khi khám sức khỏe cho nữ sinh?
Theo Báo điện tử Gia đình Việt Nam (ngày 13/10/2017) - Mạng xã hội nóng lên với status chia sẻ của một nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Hải Phòng) về việc bị một nam bác sỹ có hành động “xâm hại” khi khám sức khỏe.
Phía đại diện của phòng khám thì cho rằng bác sỹ đã làm đúng chuyên môn còn học sinh bây giờ quá... nhạy cảm.
Bác sỹ sàm sỡ hay nữ sinh quá nhạy cảm?
Một nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn sau khi đi khám sức khỏe về đã chia sẻ trên facebook: “Em thực sự bức xúc nên mới viết nên những dòng này. Chuyện là chiều nay học sinh lớp 12 của trường em khám sức khỏe theo quy định, nếu chỉ là khám sức khỏe không thì không có chuyện gì xảy ra. Có lẽ, em nên dùng cụm từ "xâm hại" để nói về hành vi của một bác sĩ nam với em cũng như nhiều bạn nữ khác trong chiều nay.
Em chưa thấy bác sĩ nào nghe nhịp tim cả ngực trái và ngực phải. Vị bác sĩ ấy còn ấn ống nghe ở chính giữa ngực em, không biết để làm gì. Em thấy khó hiểu và uất ức. Không dừng lại ở đó, bác sĩ nam ấy còn nói: "Em ơi, kéo rộng cái áo trong ra" rồi dùng chân của mình kẹp chặt hai chân em ở giữa…”
Nữ sinh này còn đặt câu hỏi: “Em không biết mấy anh chị học đại học y có được dạy cái dáng ngồi banh rộng hai chân để kẹp chặt chân của bệnh nhân không ạ?”.
Trước sự lùm xùm của vụ việc, ngay sau đó Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn đã có buổi họp khẩn cấp với Phòng khám đa khoa Hiện đại (thuộc Công ty TNHH Hòa Nga), nơi được nhà trường mời đến khám sức khỏe cho học sinh.
“Sự việc các em học sinh đưa thông tin khám bệnh cho các nữ sinh lên mạng cũng nhiều vấn đề lắm. Cơ bản thì chuyên môn ngành y người ta thực hiện theo đúng chuyên môn còn học sinh thì chia sẻ theo nhiều góc độ khác nhau”, ông Trần Đức Ngọc, hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn phân tích.
“Tại buổi làm việc với phía nhà trường, nam bác sĩ giải thích họ làm đúng chuyên môn nghiệp vụ. Phần khám nội, khám tim và phổi thì nên khám như thế nào. Do phòng khám chứa 20-30 người, lại ồn ào nên khó mà có kết quả chính xác. Ở độ tuổi các em có nhiều điểm nhạy cảm”, ông Ngọc thông tin thêm.
Bác sỹ “xâm hại” hay học sinh bây giờ quá nhạy cảm? Đó là vấn đề dành cho các nhà tâm lý, giáo dục phân tích thêm. Còn về phía cha mẹ học sinh, không ít người lo lắng khi cho con em mình đi khám sức khỏe kiểu này.
Cha mẹ học sinh cũng không an lòng
Mặc dù phía phòng khám và vị nam bác sỹ đã đưa ra lời giải thích đúng chuyên môn nghiệp vụ nhưng dường như vẫn chưa khiến các bậc cha mẹ an tâm. Chị Huỳnh Mỹ Phương (Phụ huynh học sinh trường THPT Trần Nhân Tông) bày tỏ sự lo lắng: “Khi đọc được thông tin này chúng tôi đều lo lắng. Bởi thực chất thế nào thì chỉ người trong cuộc mới rõ. Việc hiệu trưởng bao che cho công ty mà mình đã mời đến khám sức khỏe cho học sinh cũng không phải là lạ. Khi đã gửi gắm con cho nhà trường là chúng tôi tin tưởng vào thầy cô, nhưng gần đây có nhiều vụ việc xảy ra trong trường học như thầy giáo sàm sỡ nữ sinh, bác sỹ xâm hại trẻ e... khiến chúng tôi hoang mang. Cần phải làm rõ sự việc để cho cha mẹ học sinh yên tâm khi cho con đến trường”.
Anh Trần Hùng (phụ huynh trường THPT Kim Liên – Hà Nội) thì cho rằng, nhà trường nên để học sinh tự đi khám sức khỏe để lấy giấy khám hoặc liên kết với một cơ sở y tế có uy tín để khám sức khỏe cho học sinh. Việc mời một công ty tư nhân đến khám chưa chắc các cán bộ y tế ở đó đã có đủ trình độ chuyên môn và đạo đức nghề y để thực hiện công việc. Còn về vấn đề học sinh quá nhạy cảm nên nghĩ sai vấn đề thì anh Hùng tin rằng sự nhảy cảm đó giúp cho các nữ học sinh tự bảo vệ được mình tốt hơn.
Các chuyên gia nói gì?
Theo các chuyên gia tâm lý, học sinh bây giờ khác trước rất nhiều, các em dậy thì sớm hơn, có nhiều thông tin hơn qua tiếp xúc với công nghệ, mạng xã hội. Vì vậy những hành vi nhạy cảm khiến các em nghi vấn là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận sự việc xuất phát từ nhiều vấn đề của xã hội.
Trước đây cũng có rất nhiều vụ học sinh bị xâm hại từ ngay thầy giáo của mình, những người mà các em tin tưởng nhất. Cũng có nhiều bé gái khi đi khám bệnh bị bác sỹ xâm hại tình dục mà báo chí đã đưa tin. Chính vì vậy phản ứng đề phòng của các em là có cơ sở.
Trước sự việc trên, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn LS TP Hà Nội – Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam) phân tích, với những mô tả dấu hiệu về hành vi qua lời em nữ sinh trình bày thì chưa đủ cơ sở để kết luận bác sĩ này đã có hành vi sàm sỡ hay xâm hại tình dục em nữ sinh đó.
Tuy nhiên, nếu thật sự vị bác sỹ có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục thì phải được xử lý theo pháp luật. Dựa vào dấu hiệu mà nữ sinh đó đã nêu trên nếu những hành vi ấy làm xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của em nữ sinh thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 1 điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về “Tội làm nhục người khác”, tại Điều 121. Có ghi rõ: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục không đủ yếu tố để cấu thành tội làm nhục người khác nếu không có hậu quả cần chứng minh đó là nạn nhân cảm thấy vô cùng nhục nhã, tủi hổ, ê chề.
Theo Luật sư Hùng, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi trên còn phải bồi thường thiệt hại (nếu có) do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại cho người bị hại (Điều 592, bộ luật dân sự năm 2015).
Bảo Thoa.