TƯ VẤN VỀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP DI CHÚC KHÔNG CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
TƯ VẤN VỀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP DI CHÚC KHÔNG CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
Để di chúc làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế theo di chúc thì di chúc phải hợp pháp, tức là di chúc tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp di chúc vi phạm một trong các điều kiện để xác định tính hợp pháp thì di chúc vô hiệu, dẫn đến việc di chúc không có hiệu lực pháp luật. Vậy những trường hợp nào thì di chúc không có hiệu lực pháp luật? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết sau:
I. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015
II. Nội dung tư vấn
1. Thế nào là thừa kế theo di chúc?
Điều 609 BLDS năm 2015 quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Thừa kế di chúc là hình thức thừa kế mà việc dịch chuyển tài sản của người chết để lại cho người thừa kế theo ý chí của người để lại di sản được thể hiện trong di chúc.
Thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí chủ quan của cá nhân người để lại di sản, họ muốn để lại di sản cho ai, để lại bao nhiêu,… là hoàn toàn do ý muốn của họ. Do đó, đối tượng được hưởng thừa kế theo di chúc không những chỉ có thể là cá nhân còn có thể là cơ quan, tổ chức.
2. Các trường hợp di chúc không có hiệu lực pháp luật
- Di chúc vô hiệu: là di chúc vi phạm một trong các điều kiện để một di chúc được xem là hợp pháp và do đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người chỉ định trong di chúc và những nội dung khác của di chúc.
Di chúc vô hiệu trong các trường hợp:
+ Người lập di chúc không có năng lực chủ thể
+ Di chúc có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội
+ Di chúc không tuân thủ hình thức, tuân thủ về trình tự, thủ tục lập di chúc do pháp luật quy định
Khi di chúc bị tuyên bố vô hiệu thì di chúc đó không phát sinh hiệu lực từ thời điểm xác lập, điều này đồng nghĩa với quyền và nghĩa vụ của người thừa kế chỉ định trong di chúc và những nội dung khác của di chúc (nếu có) không có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm di chúc được xác lập. Ngoài ra, phần di sản được định đoạt trong di chúc bị tuyên vô hiệu sẽ được phân chia cho những người thừa kế để lại di sản theo pháp luật.
- Di chúc không có giá trị: là những di chúc tuân thủ đầy đủ các điều kiện để được xác định là di chúc hợp pháp nhưng do yếu tố khách quan nằm ngoài ý muốn của người lập di chúc mà không thể thực hiện việc phân chia di sản theo di chúc. Trong một số trường hợp, mặc dù di chúc đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được xác định là hợp pháp nhưng di chúc vẫn không phát sinh hiệu lực, hay nói chính xác hơn là di chúc không có giá trị. Di chúc không có giá trị trong những trường hợp sau:
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chúc được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
+ Di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Trường hợp hợp di sản còn một phần thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản không còn mới không có giá trị, phần di chúc liên quan đến phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
+ Người thừa kế từ chối hưởng di sản: Từ chối hưởng di sản là quyền của người thừa kế. Di chúc sẽ không có giá trị nếu việc từ chối là hợp pháp. Phần di sản bị từ chối nhận sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về tư vấn về các trường hợp di chúc không có hiệu lực pháp luật. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(132)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
- Tư vấn về thừa kế theo pháp luật