LUẬT SƯ TƯ VẤN BIỆN PHÁP XỬ LÝ VỚI TRƯỜNG HỢP BỊ ĐÒI NỢ KIỂU “XÃ HỘI ĐEN”
LUẬT SƯ TƯ VẤN BIỆN PHÁP XỬ LÝ VỚI TRƯỜNG HỢP BỊ ĐÒI NỢ KIỂU “XÃ HỘI ĐEN”
Việc vay tiền để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống diễn ra thường xuyên và phổ biến trong xã hội nhưng việc vay mượn tài sản là giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguyên tắc có nợ thì phải trả nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, người vay không thể trả nợ đúng thời hạn cam kết làm người cho vay nôn nóng, sợ người vay không trả nợ. Nhiều trường hợp, bên cho vay không hiểu rõ các quy định của pháp luật dẫn đến việc tự mình hoặc thuê các cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê theo kiểu côn đồ. Họ thường có các hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của người vay. Vậy người vay cần làm gì trong tình huống này để bảo vệ mình?
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Hình sự năm 2015;
- Luật Đầu tư năm 2020.
II. Nội dung tư vấn
1. Thế nào là đòi nợ kiểu “xã hội đen”
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy, người cho vay và người vay phát sinh quyền và nghĩa vụ với nhau thông qua hợp đồng vay tài sản. Người vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình và người cho vay được sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm để đòi nợ. Theo đó, người cho vay không được dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, không bắt giữ người vay trái pháp luật để buộc người vay phải trả tiền và không được sử dụng các phương tiện gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Đòi nợ kiểu xã hội đen là hành vi đòi nợ trái pháp luật, có tính chất côn đồ, hung hãn, xâm phạm vào các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đòi nợ làm con nợ sợ hãi hay xấu hổ nhằm buộc người bị đòi nợ phải trả nợ. Hành vi đòi nợ kiểu này có thể do chính chủ nợ hoặc do bên thứ ba thực hiện. Các hành vi đòi nợ kiểu xã hội đen có thể là đòi nợ bằng cách ném mắm tôm, tạt sơn vào nhà, cơ sở kinh doanh; dọa đánh, dọa giết con nợ; gọi điện quấy rối, xúc phạm con nợ và người thân con nợ. Mặc dù các hành vi này là vi phạm pháp luật nhưng thực tế nạn đòi nợ kiểu này vẫn tái diễn.
2. Biện pháp xử lý khi bị đòi nợ kiểu “xã hội đen”
Khi bị các đối tượng đòi nợ có tính chất côn đồ, hung hãn kiểu “xã hội đen”, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
Thứ nhất, xác định đối tượng đòi nợ và đối tượng liên hệ đòi nợ để thương lượng. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm. Việc người cho vay nhờ đối tượng thứ ba là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ bị coi là trái pháp luật. Bên cạnh đó, nếu bạn là người vay nợ thì phải có nghĩa vụ trả nợ theo đúng thỏa thuận, người cho vay không được phép đòi nợ người thân của người vay nợ, trừ trường hợp người vay nợ đang bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự tại thời điểm đòi nợ.
Thứ hai, người vay nợ có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan công an can thiệp giải quyết. Trong trường hợp bị đòi nợ kiểu “xã hội đen”, bên đòi nợ dùng các biện pháp đòi nợ trái với quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà các đối tượng đòi nợ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Các đối tượng đòi nợ kiểu này liên tục làm khó người vay, tìm mọi cách uy hiếp để xiết nợ từ đó có thể cấu thành một số tội hình sự. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi đòi nợ kiểu xã hội đen có thể cấu thành một số tội như sau:
+ Tội đe dọa giết người (Điều 133) với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù;
+ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác (Điều 134) với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân;
+ Tội làm nhục người khác (Điều 155) với mức hình phạt cao nhất là tù có thời hạn 5 năm;
+ Tội cướp tài sản (Điều 168) với khung hình phạt lên đến tù chung thân;
+ Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) với mức phạt tù cao nhất là 20 năm.
Ngay cả trong trường hợp chưa cấu thành tội phạm, người vay vẫn có thể liên hệ với cơ quan công an địa phương gần nhất để can thiệp giải quyết khi thấy các hành vi đòi nợ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người vay nợ và người thân của họ cũng như ảnh hưởng đến trật tự, an toàn công cộng.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về các biện pháp xử lý khi bị đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng với khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ một cách tốt nhất.
(Ngát)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết liên quan: