BẢO MẬT THÔNG TIN KHÁCH HÀNG TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
Xã hội ngày càng phát triển, các yêu cầu được đảm bảo bí mật thông tin của con người ngày càng được coi trọng, đặc biệt trong các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Việc đảm bảo bí mật thông tin khách hàng là một trong các vấn đề mang tính sống còn trong kế hoạch phát triển kinh doanh của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Vậy xét dưới góc nhìn BLDS 2015 – “hiến pháp” của hệ thống luật tư thì vấn đề bảo mật thông tin được quy định như thế nào? Thông tin trong hoạt động ngân hàng liên quan đến khách hàng là những thông tin nào? Hãy cùng Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
Khoản 4 Điều 38 BLDS 2015 quy định: “Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Điều 387 BLDS 2015 quy định:
“ 1. Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.
2. Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
3. Bên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Khoản 5,6 Điều 517 BLDS 2015 quy định:
“ 5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
6. Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin”.
Khoản 4 Điều 565 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ của bên được uỷ quyền: “Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc uỷ quyền”.
II. Thông tin trong hoạt động ngân hàng liên quan đến khách hàng
Trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, các thông tin liên quan đến khách hàng là những thông tin mà các tổ chức hoạt động ngân hàng có được thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình, có thể gồm những thông tin sau:
1. Thông tin thuộc về lý lịch của cá nhân, tổ chức: bao gồm các thông tin cá biệt hóa cá nhân, tổ chức ( tên, tuổi, chứng minh thư, hộ chiếu, địa chỉ, điện thoại, email…; tên gọi tổ chức, trụ sở của tổ chức, thông tin về cơ cấu tổ chức…); thông tin về ngành nghề hiện tại của khách hàng. Như vậy có thể nói rằng bạn cứ tham gia hoạt động ngân hàng thì ngân hàng sẽ biết được toàn bộ thông tin lý lịch của ít nhất là cá nhân bạn.
2. Thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng: có thể nói đây là thông tin rất quan trọng của khách hàng. Dựa vào đây thì ngân hàng có thể đánh giá được tình hình kinh doanh, khả năng tài chính hiện tại của khách hàng tại một thời điểm nhất định. Đặt vào trường hợp đối thủ kinh doanh của bạn biết được thông tin này thì thực sự rất nguy hiểm.
3. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn có thể yêu cầu khách hàng cung cấp toàn bộ các báo cáo hàng quý, năm về tình hình sản xuất kinh doanh và những thông tin khác liên quan đến vốn vay. Như vậy, tổ chức tín dụng thông qua quá trình xét duyệt dự án cho vay đã sở hữu gần như toàn bộ các thông tin liên quan đến tài chính và hoạt động kinh doanh của khách hàng, kể cả những bí mật kinh doanh khác của khách hàng.
Thực tế tại Việt Nam, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng không chỉ là các cam kết ( các tổ chức hoạt động ngân hàng với tư cách là một bên trong quan hệ giao dịch cam kết giữ bí mật thông tin của khách hàng. Các cam kết này được công bố trong chính sách bảo mật thông tin khách hàng của các tổ chức hoạt động ngân hàng) hay là các thỏa thuận của các tổ chức hoạt động ngân hàng và khách hàng ( khách hàng có thể thỏa thuận với các tổ chức hoạt động ngân hàng về nghĩa vụ không được tiết lộ thông tin của mình) mà nghĩa vụ này còn được ghi nhận trong Điều 21 Hiến Pháp năm 2013 về quyền của cá nhân được bất khả xâm phạm về thông tin, thư tín điện thoại, v.v… Như vậy, các bạn có thể phần nào yên tâm rằng cơ chế để bảo vệ thông tin trong hoạt động ngân hàng của mình là rõ ràng, minh bạch. Khi có sự cố xảy ra liên quan đến việc bạn rò rỉ thông tin trong ngân hàng, bạn có quyền yêu cầu ngân hàng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC về việc bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(D.H.Nguyen)
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn