MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
Miễn chấp hành hình phạt là chế định thể hiện quan điểm nhân đạo, chủ trương khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội của Đảng và Nhà nước ta. Là một trong những chế định quan trọng, chế định miễn chấp hành hình phạt có liên quan mật thiết và chặt chẽ đến chế định hình phạt và nhiều chế định khác trong Luật hình sự.
Theo Bộ luật hình sự 2015 thì miễn chấp hành hình phạt được quy định như sau:
“1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị kết án đã lập công;
b) Mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.”
- Miễn chấp hành hình phạt là việc hủy bỏ toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt đã được Tòa án tuyên có hiệu lực đối với người bị kết án.
Khoản 2 Điều 62 BLHS năm 2015 quy định điều kiện để có thể được miễn chấp hành án, cụ thể: "Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sau khi bị kết án đã lập công; Mắc bệnh hiểm nghèo; Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa."
Quy định này thông qua việc phân loại mức hình phạt mà người bị kết án phải chấp hành chính là phân hóa mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để có thể được miễn chấp hành. Theo đó, người bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm trước hết chỉ là những người phạm tội ít nghiêm trọng. Ngoài ra, xem xét các quy định về quyết định hình phạt thì quy định này được mở rộng cho cả đối tượng là người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp người này được Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo Điều 54 BLHS năm 2015 khi quyết định hình phạt và họ thỏa mãn một trong 03 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 62. Quy định này đã bảo đảm sự công bằng hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999.
Bên cạnh đó, sự công bằng và phân hóa trách nhiệm hình sự rõ hơn so với quy định trong BLHS năm 1999 còn thể hiện ở quy định về điều kiện được xem xét miễn chấp hành hình phạt. Nếu khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999 quy định người bị kết án chỉ có thể được xem xét miễn chấp hành án nếu thỏa mãn một trong hai điều kiện: (1) lập công lớn; (2) mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì khoản 2 Điều 62 BLHS năm 2015 quy định 03 điều kiện để người bị kết án có thể được miễn chấp hành hình phạt theo hướng nhân đạo hơn, phù hợp với tính chất của tội phạm mà người bị kết án đã thực hiện, cụ thể thay điều kiện “lập công lớn” bằng điều kiện “lập công”, quy định “mắc bệnh hiểm nghèo” là một điều kiện độc lập, không ràng buộc quy định phải đánh giá “người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” như quy định của khoản 1 Điều 57 BLHS năm 1999 và bổ sung thêm một điều kiện để được xem xét miễn chấp hành hình phạt là “Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Việc mở rộng đối tượng và bổ sung quy định về điều kiện được xem xét miễn chấp hành hình phạt nói trên cũng được áp dụng đối với những trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù nếu trong thời gian được tạm đình chỉ, người được tạm đình chỉ thỏa mãn điều kiện “lập công” hoặc “chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn