CHUẨN BỊ HỒ SƠ KHỞI KIỆN VỤ ÁN LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
Tranh chấp dân sự là một loại tranh chấp phổ biến và phức tạp trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại các cấp tòa án. Thông qua bài tư vấn dưới đây, HTC Việt Nam sẽ hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện với đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo cho một vụ án liên quan đến hợp đồng dân sự.
1. Đơn khởi kiện
Đơn khởi kiện là hình thức biểu đạt yêu cầu của bạn đến Tòa án. Với tính chất là cơ sở pháp lý quan trọng để tòa án xem xét quyết định thụ lý vụ án dân sự, vì vậy, đơn khởi kiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 189 Bộ Luật TTDS năm 2015. Đơn khởi kiện có thể viết tay hoặc đánh máy nhưng phải có các nội dung chính sau:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của bạn (người khởi kiện). Trong phần này cần lưu ý, nếu địa chỉ thường trú (ghi trên CMND và sổ hộ khẩu) khác với địa chỉ đang cư trú thì cần ghi rõ cả hai địa chỉ (Địa chỉ đăng ký thường trú và địa chỉ liên lạc), tránh trường hợp thông báo, triệu tập của Tòa án bị thất lạc, không liên hệ được.
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nên ghi cả số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử, nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của họ (“nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh).
+ Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Để soạn thảo đơn khởi kiện, các bạn có thể tham khảo các biểu mẫu có sẵn trên mạng internet hoặc được dán công khai ở các trụ sở tòa án. Tuy nhiên, khi soạn thảo các bạn cần lưu ý phần nội dung đơn khởi kiện, phần này cần phải nêu được nội dung, diễn biến tranh chấp; tránh kể lể dài dòng mà chỉ cần nêu các sự kiện có tính chất mốc thời gian, nhưng không được sơ sài khiến người đọc không nắm bắt được diễn biến của tranh chấp. Phần yêu cầu khởi kiện là nội dung bắt buộc, phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, đồng thời mang tính đề xuất để tòa án xem xét giải quyết, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu phi thực tế, các yêu cầu không có căn cứ, không thể thực hiện được hoặc trái với quy định của pháp luật.
2 . Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Điều 91 Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp…”. Như vậy, người khởi kiện có nghĩa vụ thu thập, cung cấp cho tòa án các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ không nhất thiết phải nộp đủ ngay khi khởi kiện; có những chứng chứ nên nộp ngay nhưng cũng có những chứng cứ chỉ nên giao nộp sau khi đã có lời khai của phía đối phương hoặc một thời điểm thích hợp khác tùy vào tính chất, diễn biến tranh chấp. Tuy nhiên, ngoài những giấy tờ cơ bản như bản sao CMND, Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy ủy quyền (nếu có)… thì bộ hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng thông thường cần có những tài liệu, chứng cứ sau:
+ Hợp đồng và/hoặc các giấy tờ, biên bản liên quan đến việc giao kết hợp đồng v.v..;
+ Các tài liệu chứng cứ liên quan đến quan hệ hợp đồng; quá trình thực hiện hợp đồng và việc thực hiện/không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng của các bên;
+ Các tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng
3. Sắp xếp hồ sơ khởi kiện
Sau khi soạn thảo xong đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo, bộ hồ sơ khởi kiện nên được sắp xếp theo một trật tự nhất định, có thể sắp xếp theo thứ tự ngày tháng, nội dung hoặc theo hình thức của chứng cứ. Đối với chứng cứ là bản gốc duy nhất thì chỉ nộp cho Tòa án bản sao. Đối với những chứng cứ không sao y, chứng thực được thì chỉ nộp bản photo và xuất trình bản chính cho Tòa đối chiếu khi có yêu cầu. Không nên nộp cho Tòa bản chính duy nhất, đề phòng trường hợp Tòa làm thất lạc có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, thậm chí làm mất căn cứ khởi kiện và đảo ngược kết quả vụ án. Đối với các tài liệu bằng tiếng nước ngoài, cần dịch ra tiếng việt, tốt nhất nên nhờ dịch vụ công chứng chứng nhận bản dịch để tăng thêm giá trị của tài liệu, chứng cứ.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về chuẩn bị hồ sơ khởi kiện vụ án liên quan đến hợp đồng dân sự. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Lê Thị Nguyệt Hà