TƯ VẤN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ GIẤY TỜ CHỨNG MINH
TƯ VẤN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ GIẤY TỜ CHỨNG MINH
Người xưa có câu “Tấc đất, tấc vàng” để nói lên giá trị của đất đai, câu nói luôn đúng trong mọi thời kì của lịch sử. Đất đai là một loại tài sản quan và rất có giá trị. Chính vì vậy, tranh chấp đất đai là một trong các tranh chấp diễn ra phổ biến trong xã hội, thậm chí các tranh chấp này ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng. Trên thực tế các tranh chấp về đất đai luôn luôn phức tạp, khó xác định đặc biệt là trong trường hợp các chủ thể tranh chấp không có giấy tờ chứng mình quyền sử dụng đất. Nắm bắt được nhu cầu đó, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam chúng tôi sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn phương thức “ Giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh” thông qua bài viết dưới đây.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Đất đai năm 2013;
- Luật tố tụng dân sự 2015
- Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
II. NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Tranh chấp đất đai là gì ?
Tại khoản 24, Điều 3 Luật Đất Đai 2013 có giải thích về tranh chấp chấp đất đai như sau:
“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đai giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”
Trong một mối quan hệ xã hội nào đó luôn luôn tồn tại nhưng hệ ý thức trái ngược, những mâu thuẫn, bất đồng nhất định nên việc xảy ra tranh chấp là điều không thể tranh khỏi. Trong quan hệ đất đai cũng không phải là ngoài lệ, tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về quyền, lợi ích hợp pháp hay kể cả nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ đất đai.
Để mọi người hiểu rõ và nhận diện chính xác đâu là tranh chấp đất đai, Luật HTC Việt Nam sẽ tổng hợp các dạng tranh chấp phổ biến chủ yếu hiện nay:
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất. Ví dụ như tranh chấp về ranh giới đất được sử dụng và quản lý giữa các chủ thể sử dụng đất với nhau; tranh chấp về quyền sử dụng, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng khi ly hôn; tranh chấp đất do sự điều chỉnh ruộng đất trong giai đoạn trước đây…..
- Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất. Ví dụ tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh góp vốn bằng quyền sử dụng đất; tranh chấp về việc bồi thương khi Nhà nướ thu hồi đất….
- Tranh chấp về mục đích sử dụng đất. Ví dụ: tranh chấp giữa đất trồng cây ăn quả và đất thổ cư…..
2. Phương thức và trình tự giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh
Trong tranh chấp đất đai, dựa vào việc có hay không các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì thường chia ra làm hai dạng cơ bản là tranh chấp đất đai có giấy tờ chứng minh và tranh chấp đất đai không có giấy tờ chứng minh. Việc không có giấy tờ chứng minh làm cho việc giải quyết tranh chấp đất đai trở nên khó khăn và phức tạp. Dưới đây là phương thực và trình trự giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh:
2.1. Hòa giải tranh chấp đất đai
Bước 1: Tự hòa giải hoặc hoặc thông qua hòa giải tại cơ sở
Điều 202 Luật Đất đai 2013 có quy định về việc hòa giải tranh chấp chấp đất đai. Theo đó nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Bước 2: Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã
Trong trường hợp các bên tranh chấp không tự hòa giải được, không thương lượng với nhau thì các bên có thể gửi đơn đề nghị hòa giải lên Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp đề giải quyết.
Chủ thể có thẩm quyền tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai là Ủy ban nhân dân dân cấp xã nơi có đất đang bị tranh chấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp, tổ chức phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức xã hội khác.
Thời gian giải quyết tranh chấp là không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 3: Kết quả
- Trường hợp hòa giải thành: Việc hòa giải thành sẽ được ghi vào trong biên bản hòa giải.
Lưu ý: Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến Phòng Tài nguyên và môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; và gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác để được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
- Trường hợp hòa giải không thành: các bên tham gia tranh chấp có thể lựa chọn một trong hai hướng giải quyết sau: (1) Yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp; (2) Khởi kiện ra Tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự.
2.2. Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân
Trong trường hợp hòa giải không thành thì các bên có thể lựa chọn việc giải quyết tranh chấp tại Ủy bản nhân dân cấp có thẩm quyền (Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013), theo đó:
- Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết;
- Trường hợp tranh chấp mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân các cấp bao gồm:
- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
- Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.
2.3. Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án được quy định chi tiết trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Các bước để có thể tiến hành giải quyết tranh chấp tại Tòa án như sau:
Bước 1: Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang bị tranh chấp
Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn khởi kiện;
+ Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
+Giấy tờ chứng thực cá nhân: Bản sao công chứng Chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân và sổ hộ khẩu gia đình;
Bước 2: Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết vụ án. Các bên tham gia tranh chấp sẽ thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình được theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Trần Hà)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Giải quyết tranh chấp đất đai;
Các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai;
Giải quyết tranh chấp đất đai bằng con đường khởi kiện;