TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Ở nước ta hiện nay, tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng phổ biến với nội dung tranh chấp và chủ thể phức tạp, đa dạng. Vậy tranh chấp đất đai được giải quyết như thế nào? Sau đây công ty luật TNHH HTC Việt Nam tư vấn về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai.
1. Cơ sở pháp lý.
- Luật Đất Đai 2013;
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
2. Tư vấn về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai.
* Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã
Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định:
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. …”
Như vậy, theo quy định của pháp luật đất đai thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã là thủ tục bắt buộc các bên tham gia giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 1: Tổ chức hòa giải.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình và phải phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương. Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 2: Lập biên bản hòa giải.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
* Giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính và tố tụng dân sự
Điều 203 Luật đất đai 2013 quy định:
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;…”
Như vậy, trong trường hợp đã hòa giải tại UBND cấp xã nhưng hòa giải không thành thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về hai cơ quan sau:
Ủy ban nhân dân:
- Đối tượng tranh chấp thuộc thẩm quyền của UBND: các đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đại tại UBND.
- Thẩm quyền:
+ Đối với tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì khiếu nại đến là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nếu một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh để giải quyết.
+ Đối với tranh chấp giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa các đối tượng đó với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Nếu một trong các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu này thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để yêu cầu giải quyết.
Ngoài ra, nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu thì vẫn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
Tòa án nhân dân:
- Đối tượng tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án: các tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy tờ về đất hoặc không có giấy tờ về đất nhưng lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân.
Việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án được thực hiện theo quy định chung tại Bộ luật tố tụng dân sự.
Bước 1: Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật, tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án.
Bước 2: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành, sau 07 ngày mà các bên đương sự không thay đổi ý kiến thì tranh chấp kết thúc.
Bước 3: Đưa vụ án ra xét xử. Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo thủ tục xét xử sơ thẩm, sau đó ra bản án hoặc quyết định.
Trong trường hợp các bên không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm thì các bên có quyền kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.
Trên đây là những ý kiến của tôi tư vấn về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Hà)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn