NGƯỜI CHẾT KHÔNG ĐỂ LẠI DI CHÚC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NHƯ THẾ NÀO?
NGƯỜI CHẾT KHÔNG ĐỂ LẠI DI CHÚC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NHƯ THẾ NÀO?
Đất đai là một loại tài sản đặc biệt có giá trị vô cùng lớn nên việc phân chia thừa kế để đảm bảo quyền lợi của tất cả các người thừa kế khi người để lại di sản không có di chúc trở thành một vấn đề khá rắc rối. Trong trường hợp có sự tranh chấp quyền sử dụng đất mà người chết không để lại di chúc thì giải quyết như thế nào? Nhằm giúp đỡ khách hàng giải đáp những thắc mắc trên, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam xin tư vấn về vấn đề này như sau:
I. Cơ sở pháp lý
- Luật Đất Đai năm 2013;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013;
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
- Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP.
II. Nội dung tư vấn
1. Tranh chấp đất đai là gì?
Tranh chấp đất đai là những mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình sử dụng đất theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013. Về bản chất, tranh chấp đất đai là việc những người sử dụng đất tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đối với mảnh đất đang tranh chấp.
2. Khi người chết không để lại di chúc thì chia thừa kế như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp người để thừa kế không để lại di chúc để chia thừa kế thì di sản để thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật liên quan đến thừa kế.
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
3. Người thừa kế theo luật định
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
4. Phân chia di sản thừa kế là đất đai
- Khi chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế trong cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản như nhau. Việc phân chia quyền sử dụng đất cũng tương tự, dựa trên số người được nhận di sản thừa kế để phân chia quyền sử dụng đất thành các phần bằng nhau.
- Thủ tục thừa kế không có di chúc được thực hiện tại văn phòng công chứng nơi có đất đai để lại theo quy định tại Điều 57 Luật công chứng 2014.
- Để tiến hành thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế, giấy tờ cần có trong hồ sơ gồm:
+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế giữa những người đồng thừa kế;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ),quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất;
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;
+ CMND hoặc hộ chiếu, hộ khẩu của người những người được thừa kế;
+ Giấy tờ chứng minh mối quan hệ của những người được thừa kế theo pháp luật với người chết (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn…).
5. Đất đai được để lại thừa kế trong trường hợp
Điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện quyền để lại thừa kế đối với di sản là quyền sử dụng đất theo Điều 188 Luật Đất đai 2013:
+ Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;
+ Đất không có tranh chấp;
+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
+ Trong thời hạn sử dụng đất.
6. Khởi kiện liên quan đến di sản thừa kế là đất đai
- Trong trường hợp phân chia thừa kế quyền sử dụng đất phát sinh tranh chấp thì các bên có thể tiến hành tự hòa giải với nhau về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Nếu không thể tự hòa giải, các bên tiến hành nộp đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải trong vòng 45 ngày.
- Đối với tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, hòa giải không phải là điều kiện bắt buộc để khởi kiện giải quyết vụ án theo Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP nên các bên có thể không cần thực hiện hòa giải tranh chấp mà trực tiếp khởi kiện tranh chấp ra Tòa nếu cảm thấy việc hòa giải không mang lại kết quả mong muốn.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
+ Trường hợp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất Đai 2013: Tòa án nhân dân giải quyết.
+ Trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban cấp huyện đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hay Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu một bên trong tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trên đây là bài viết của chúng tôi về trường hợp có sự tranh chấp quyền sử dụng đất mà người chết không để lại di chúc thì giải quyết như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Liệu)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Bài viết liên quan
Tư vấn khởi kiện vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai
Luật sư tư vấn tranh chấp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Luật sư tư vấn tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất