Thủ tục đầu tư nước ngoài tại singapore có chuyển vốn từ Việt Nam
Hiện nay, với xu thế toàn cầu hoá, các nhà đầu tư Việt Nam ngày càng có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Singapore là một thị trường được nhiều nhà đầu tư Việt Nam lựa chọn bởi thủ tục đơn giản và nhiều ưu thế mà chính quyền Singapore dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Hãy cùng Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam tìm hiểu về thủ tục đầu tư Singapore của các nhà đầu tư Việt Nam qua bài viết sau.
1. Giai đoạn 1: Đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Việt Nam
Đầu tiên, Nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Bước 1: Thực hiện thủ tục xin chấp thuận đầu tư sang Singapore ( Nếu thuộc đối tượng phải xin chấp thuận)
Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, nếu thuộc các đối tượng sau đây thì nhà đầu tư cần xin chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
- Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây: Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
- Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây: Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
Nếu các dự án đầu tư không thuộc những trường hợp trên thì không phải thực hiện bước xin chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài này.
Bước 2: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Nhà đầu tư cần chuẩn bị bộ 03 hồ sơ ( 1 bản gốc, 2 bản sao)bao gồm:
Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
Quyết định đầu tư ra nước ngoài;
Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư;
Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật nếu thuôc các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ.
- Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đồng thời lấy ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước nếu vốn đầu tư dự kiến chuyển ra nước ngoài lớn hơn 20 tỷ đồng trở lên.Trường hợp, nếu hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cần sửa đổi bổ sung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi thông báo đến nhà đầu tư. Nhà đầu tư tiến hành sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Nếu hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã hợp lệ và không cần sửa đổi, bổ sung thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Nhà đầu tư.
Thời gian theo quy định là trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên trên thực tế thời gian cấp phép sẽ kéo dài hơn quy định, phụ thuộc vào quá trình thẩm định hồ sơ, yêu cầu giải trình/bổ sung hồ sơ của cơ quan quản lý nhà nước (nếu có). Thời gian cấp phép thực tế thường kéo dài từ 2 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ hợp
2. Giai đoạn 2: Các bước để thành lập công ty tại Singapore
Sau khi đã thực hiện xong các thủ tục xin cấp phép tại Việt Nam, nhà đầu tư sẽ cần thực hiện thành lập công ty tại Singapore. Sau đây là quy trình các bước cơ bản để thành lập công ty ở Singapore
Bước 1: Thành lập công ty tại Singapore.
- Đầu tiên, Nhà đầu tư cần lựa chọn loại hình công ty hoạt động tại Singapore phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Pháp luật Singapore quy định, người nước ngoài được phép đầu tư tại Singapore dưới 3 hình thức sau:
Văn phòng đại diện (Representative Office) tại Singapor;
Văn phòng chi nhánh (Branch office) ở Singapore;
Công ty trách nhiệm hữu hạn (Private Limited Company). Đây là loại hình doanh nghiệp có có tư cách pháp nhân riêng biệt. Theo sau tên của công ty thường có cụm từ “Pte Ltd” hoặc “Ltd”. Các loại hình trên được sắp xếp theo quyền lợi và nghĩa vụ tăng dần (bao gồm nghĩa vụ nộp thuế, chịu kiểm toán hàng năm và bắt buộc phải là người Singapore đứng tên về mặt pháp lý…). Chi phí dịch vụ đối với cả 3 hình thức trên là như nhau. Tuy nhiên với hình thức đầu tiên và hình thức thứ 2 thì bạn sẽ bị giới hạn các hoạt động tại Singapore.
- Tiếp theo, nhà đầu tư đặt tên, kiểm tra và đăng ký tên cho công ty tại Singapore. Tên là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ loại hình công ty nào. Vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tên gọi phù hợp với các hoạt động kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, tên gọi cũng ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn cũng như hình ảnh của công ty trước khách hàng và các đối tác.
Lưu ý rằng tên công ty có thể bị từ chối phê duyệt vì nhiều lý do khác nhau, phổ biến nhất là lí do trùng tên với những công ty đã đăng ký trước hoặc tên công ty có chứa những từ ngữ nhạy cảm, bị cấm tại Singapore,… Việc kiểm tra tên công ty trước khi đăng ký sẽ giúp rút ngắn thời gian thành lập công ty tại Singapore, tránh hồ sơ bị từ chối nhiều lần.
- Sau khi đã lựa chọn được loại hình và tên công ty, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ và tài liệu cần thiết khi thành lập công ty bao gồm:
Tên công ty để ACRA (Cơ quan Quản lý doanh nghiệp và Kế toán) phê duyệt;
Mô tả ngắn gọn và đầy đủ về các hoạt động kinh doanh của công ty sắp thành lập với mã ngành tương ứng theo quy định của ACRA;
Cung cấp ngày cuối cùng của năm tài chính đầu tiên;
Báo cáo tài chính của nhà đầu tư là tổ chức
Chỉ định ít nhất một một giám đốc thường trú của công ty tại Singapore (Nominee Director) với thẻ công dân quốc tịch Singapore và địa chỉ cụ thể.
Công ty cần phải có ít nhất 1 cổ đông, số lượng cổ đông tối đa là 50 cổ đông.
Cung cấp chứng nhận thành lập công ty (Certificate of Incorporation) và bản điều lệ của công ty (Memorandum and Articles of Association) nếu cổ đông là công ty. Nếu cổ đông là cá nhân người nước ngoài thì cần cung cấp hộ chiếu và địa chỉ đã được xác thực.
Địa chỉ văn phòng công ty đăng ký thành lập tại Singapore.
Bổ nhiệm 1 thư ký công ty là người Singapore. Lưu ý giám đốc và thư ký công ty không cùng 1 người.
- Sau khi hoàn thành bước chuẩn bị, nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty tại Singapore theo hình thức online. Thời gian đăng ký thành lập công ty là từ 2 – 5 ngày làm việc, tùy theo loại hình công ty nhưng trên thực tế một số thủ tục sẽ có thể kéo dài thời gian. Ở bước này, việc thành lập công ty tại Singapore có thể thực hiện hoàn toàn thông qua Internet. Vì vậy, nhà đầu tư không cần phải bay sang Singapore để làm thủ tục
- Nếu hồ sơ không cần sửa đổi, bổ sung, ACRA sẽ gửi một thông báo bằng email trong đó có mã số đăng ký công ty (UEN) cùng với giấy chứng nhận thành lập công ty bản điện tử.
Bước 2: Đăng ký mở tài khoản ngân hàng của công ty tại Singapore
- Khi mở tài khoản ngân hàng dành cho doanh nghiệp, các ngân hàng tại Singapore sẽ yêu cầu chủ tài khoản và giám đốc doanh nghiệp được yêu cầu có mặt trực tiếp tại Singapore để nói chuyện trực tiếp với ngân hàng về việc mở tài khoản cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần cung cấp hồ sơ và ký các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu từ phía ngân hàng. Hồ sơ và giấy tờ mà các ngân hàng thường yêu cầu bao gồm:
Đơn xin mở tài khoản ngân hàng do ngân hàng cung cấp và hướng dẫn cụ thể;
Giấy tờ hợp lệ của công ty thành lập tại Singapore như Giấy phép đăng kí kinh doanh và Điều lệ công ty;
Hộ chiếu của giám đốc/chủ tài khoản ngân hàng /cổ đông;
Địa chỉ đã được xác nhận của giám đốc/ chủ tài khoản ngân hàng/cổ đông;
Tiền gửi chi phiếu (Cheque deposit).
Bước 3: Nhận giấy phép kinh doanh (Business Profile).
Một số ngành nghề nhất định tại Singapore sẽ phải đăng ký giấy phép con để kinh doanh như các ngành giáo dục, dịch vụ tài chính, dược, thực phẩm, du lịch…Vì vậy, nếu thành lập công ty hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên thì nhà đầu tư cần phải nộp đơn xin giấy phép kinh doanh đến cơ quan có thẩm quyền. Số lượng giấy phép sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Siglaw sẽ tư vấn cụ thể đối với trường hợp của từng khách hàng về giấy phép con cần xin.
Bước 4: Đăng ký thuế hàng hóa dịch vụ (GST)
Nếu doanh thu của công ty tại Singapore vượt quá 1 triệu SGD/ năm thì doanh nghiệp cần phải đăng ký Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) tại Cơ quan Doanh thu Nội địa Singapore (IRAS). Những công ty đăng ký GST sẽ tính thuế này cho khách hàng của mình đối với sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Sau đó, nộp số tiền nay cho cơ quan thuế IRAS tại Singapore. Nếu doanh thu dự kiến của công ty không quá 1 triệu SGD/năm thì doanh nghiệp không cần đăng ký thuế hàng hóa dịch vụ.
Giai đoạn 3: Đăng ký mở tài khoản đầu tư ra nước ngoài
Tiếp theo, sau khi xin được giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục đăng ký mở tài khoản đầu tư ra nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 01 tài khoản vốn đầu tư bằng 01 loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 01 tổ chức tín dụng được cấp phép.
Theo Quy định, mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn riêng mở tại một tổ chức tín dụng đã được cấp phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối (theo quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư 2020).
(Người viết: Trần Diệp Hà; Ngày viết: 07/10/2023)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam.
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn ; https://htcvn.vn/
Bài viết liên quan:
- Thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo
- Top 10 công ty luật/văn phòng luật sư uy tín nổi tiếng hn
- Tư vấn các dịch vụ liên quan đến công chứng, chứng thực
- Làm công việc tự do khai thuế thu nhập cá nhân như thế nào?