TƯ VẤN VỀ QUAN HỆ GIỮA CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH
Hôn nhân đôi khi không phải chỉ là việc của hai người mà nó còn ảnh hưởng đến quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình khi mọi người cùng chung sống dưới một mái nhà. Vậy pháp luật quy định về vấn đề quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như thế nào?
1. Quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình
a. Quyền và nghĩa vụ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
Theo Điều 104 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 (Luật HNGĐ 2014), quyền và nghĩa vụ giữa ông bà và cháu được quy định như sau:
- Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 Luật HNGĐ 2014 thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
- Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
b. Quyền và nghĩa vụ của anh, chị, em
Theo Điều 105 Luật HNGĐ 2014, quyền và nghĩa vụ giữa anh, chị, em được quy định như sau: Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
c. Quyền và nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột
Theo Điều 106 Luật HNGĐ 2014, quyền và nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột được quy định như sau: Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con và những người được quy định tại Điều 104 và Điều 105 của Luật này hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.
2. Nghĩa vụ cấp dưỡng
a. Chủ thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Theo Điều 107 Luật HNGĐ 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật HNGĐ. Đây là nghĩa vụ liên quan đến nhân thân, không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 Luật HNGĐ 2014, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Một người có thể cấp dưỡng cho nhiều người và ngược lại, nhiều người cũng có thể cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người.
Trong trường hợp không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì theo Điều 119 Luật HNGĐ 2014, những người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định như sau:
- Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu để yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
b. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên
Giữa cha, mẹ và con
Theo Điều 110 Luật HNGĐ 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ phát sinh khi: cho con chưa thành niên; con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Ngược lại, con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định tại Điều 111 Luật HNGĐ 2014.
Giữa anh, chị, em
Theo Điều 112 Luật HNGĐ 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em phát sinh trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con. Khi đó, anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
Theo Điều 113 Luật HNGĐ 2014, ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng là cha, mẹ hay anh, chị, em. Ngược lại, cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng.
Giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột và cháu ruột
Theo Điều 114 Luật HNGĐ 2014, cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng (cha, mẹ, anh, chị, em, ông bà nội, ông bà ngoại không thể cấp dưỡng). Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng.
_Đ.K. Linh_
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn