TƯ VẤN VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CỦA CHA MẸ DO CON GÂY RA
Cha mẹ đóng vai trò rất to lớn trong việc giáo dục và hình thành nhân cách con cái. Bên cạnh đó, cha mẹ còn phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên những mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Khi con gây ra thiệt hại thì cha mẹ phải bồi thường.
Vậy bồi thường thiệt hại là gì?
Pháp luật xác định các loại thiệt hại bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Như vậy, bồi thường thiệt hại là sự bù đắp về vật chất, tinh thần cho những chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Thông thường trong các quan hệ dân sự, ai gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân và gia đình là quan hệ đặc biệt, đặt ra cho các chủ thể tham gia vào đó những quyền và nghĩa vụ đặc biệt. Người làm cha mẹ không những phải bồi thường thiệt hại do chính bản thân mình gây ra mà còn phải bồi thường cả những thiệt hại do con của họ tạo nên cho người khác.
Có phải mọi trường hợp cha mẹ đều phải bồi thường thiệt hại do con gây ra?
Điều 74 Luật Hôn nhân & Gia đình quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại do con gây ra như sau:
“Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự”.
Điều 586 Bộ luật dân sự có quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân:
“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”
Theo đó có thể thấy, các trường hợp cha mẹ phải bồi thường thiệt hại cho con tùy từng độ tuổi:
- Con từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
- Con chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp con đang trong thời gian học tại trường, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.
- Con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
- Con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự, con có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu con được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình, trừ trường hợp người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ.
Trên đây là kết quả tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra của cha mẹ. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ theo địa chỉ dưới bài viết. Xin chân thành cảm ơn!
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
_Đ.K. Linh_