TƯ VẤN THỦ TỤC LY HÔN THUẬN TÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Trong hôn nhân, dù ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống hạnh phúc nhưng một khi hôn nhân có nguy cơ tan vỡ, không thể hàn gắn và tiếp tục duy trì thì ly hôn chính là giải pháp để giúp các bên tìm cho mình một cuộc sống mới. Cách tốt nhất để ít gây tổn thương cho con cái khi ly hôn chính là vợ chồng tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài khá phức tạp. Công ty luật HTC Việt Nam xin đưa ra nội dung tư vấn tổng quát về ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài như sau:
1. Ly hôn thuận tình là gì?
Ly hôn thuận tình được ghi nhận tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Thế nào là “có yếu tố nước ngoài”?
Khoản 2, điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” như sau:
“2. Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
b. Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c. Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”
Như vậy, kết hợp các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có thể hiểu “ly hôn có yếu tố nước ngoài” là quan hệ ly hôn bao gồm các trường hợp:
- Giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
- Giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam;
- Giữa người Việt Nam với nhau nhưng kết hôn ở nước ngoài được pháp luật nước ngoài công nhận sau đó về Việt Nam xin ly hôn;
- Giữa vợ, chồng là công dân Việt Nam nhưng đang không cùng thường trú ở Việt Nam mà cùng thường trú ở nước ngoài tại thời điểm yêu cầu ly hôn. Ví dụ: vợ, chồng có quốc tịch Việt Nam nhưng đang cùng thường trú ở Nhật Bản tại thời điểm yêu cầu ly hôn. Khi đó, việc ly hôn sẽ được giải quyết theo luật pháp của Nhật Bản chứ không phải của Việt Nam.
- Tài sản là bất động sản liên quan đến việc ly hôn đang ở nước ngoài. Chẳng hạn như vợ, chồng Việt Nam sở hữu bất động sản tại Mỹ trong thời kỳ hôn nhân. Khi ly hôn, việc chia tài sản này được giải quyết theo luật pháp của Mỹ.
Như vậy, ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài là quan hệ ly hôn thuộc các trường hợp trên và vợ hoặc chồng đã thỏa thuận được với nhau về việc ly hôn bao gồm: chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con,quyền và nghĩa vụ với bên thứ ba (nếu có).
2. Hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Bản sao chứng thực Giấy khai sinh các con;
- Bản sao chứng thực Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của vợ và chồng;
- Bản sao chứng thực Sổ hộ khẩu;
- Các tài liêu, chứng cứ khác kèm theo: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận đăng ký xe,…
3. Trình tự ly hôn có yếu tố nước ngoài
- Bước 1: Đương sự nộp hồ sơ tại TAND cấp tỉnh nơi vợ, chồng thường trú.
- Bước 2: Nếu hồ sơ hợp lệ và đúng thẩm quyền, Tòa án thụ lý đơn và ra thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
- Bước 3: Đương sự nộp án phí cùng biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
- Bước 4: Tòa án triệu tập các đương sự và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp vắng mặt giải quyết như thế nào?
Trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì giải quyết theo quy định tại Điều 228 BLTTDS 2015 như sau:
“Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.
3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.”
Trong trường hợp đương sự ở nước ngoài thì Tòa án sẽ ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án ở nước ngoài để tiến hành việc liên quan đến tố tụng dân sự ở nước ngoài.
4. Thời gian thực hiện ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài
- Khoảng từ 1 đến 4 tháng.
- Trong trường hợp bị đơn vắng mặt thì thời gian giải quyết ly hôn sẽ kéo dài từ 12 – 24 tháng do Tòa án phải tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp.
Trên đây là những thông tin về thủ tục ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài được pháp luật quy định, khi tiến hành làm thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài thì bạn cần tuân thủ những quy định của pháp luật về thủ tục ly hôn với người nước ngoài, có như thế tòa án mới chấp nhận thủ tục ly hôn của bạn.
---------------------------------------------
Để biết thêm chi tiết xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ:
Công ty luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn