TƯ VẤN CÔNG NHẬN BẢN ÁN CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
TƯ VẤN CÔNG NHẬN BẢN ÁN CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Câu hỏi: Kính chào luật sư Công ty luật TNHH HTC Việt Nam. Tôi là người Thái Lan, lấy vợ là người Việt Nam. Năm 2018 tôi ly hôn với vợ tai Thái Lan, nay tôi muốn được pháp luật và Tòa án Việt Nam công nhận quyết định ly hôn này. Vậy tôi cần làm những thủ tục gì?
Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
2. Luật sư tư vấn
Kính chào Quý khách, dựa trên các thông tin mà Quý khách cung cấp, Công ty luật TNHH HTC Việt Nam chúng tôi xin tư vấn như sau;
- Hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết: Dựa trên quy định tại điều 433,434 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Quý khách cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án ly hôn của Tòa án Thái Lan tại Việt Nam
+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực phán quyết ly hôn do Tòa án Thái Lan cấp;
+ Văn bản của Tòa án Thái Lan hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của Thái Lan xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam. Văn bản của Tòa án Thái Lan hoặc cơ quan có thẩm quyền của Thái Lan xác nhận kết quả tống đạt hợp lệ bản án, quyết định đó cho người phải thi hành;
+ Văn bản của Tòa án Thái Lan hoặc cơ quan có thẩm quyền của Thái Lan xác nhận Quý khách hoặc người đại diện hợp pháp của Quý khách đã được triệu tập hợp lệ trong trường hợp Tòa án nước ngoài ra bản án vắng mặt.
(Các giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng Thái Lan phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp).
-Thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết ly hôn
+ Bước 1: Nộp đơn yêu cầu và các tài liệu có liên quan: Với các hồ sơ đã chuẩn bị như trên, Quý khách nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân tỉnh.
+ Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thụ lý giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu), Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định thì Thẩm phán sẽ yêu cầu Quý khách sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện việc thông báo cho Quý khách về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí
+ Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Theo quy định tại khoản 3 Điều 437 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong thời hạn này, tuỳ từng trường hợp mà Tòa án ra một trong các quyết định: Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
+ Bước 4: Phiên họp xét đơn yêu cầu
Thành phần gồm: 03 Thẩm phán, trong đó một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án; Kiểm sát viên Viện kiểm sát tỉnh Bắc (trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp); bản thân Quý khách hoặc người đại diện hợp pháp của Quý khách (triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên hợp, được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc xét đơn vẫn được tiếp tục).
Hội đồng có quyền ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
+ Bước 5:Gửi quyết định của Tòa án
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định công nhận và cho thi hành hoặc quyết định không công nhận phán quyết ly hôn của Tòa án Thái Lan tại Việt Nam.
(Loan La)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com;
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Tư vấn công nhận bản án ly hôn của Tòa án Thái Lan tại Việt Nam
Công nhận bản án ly hôn của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam