THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Nếu cuộc sống hôn nhân của vợ chồng bạn có nhiều mâu thuẫn, có căn cứ cho rằng cuộc hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì bạn có thể yêu cầu để tòa án giải quyết đơn phương ly hôn. Khi đó, bạn có thể căn cứ vào chứng cứ có được về sự vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng của mình, về tình trạng trầm trọng của hai vợ chồng để làm căn cứ yêu cầu đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, việc ly hôn phải phù hợp với quy định của pháp luật và phải đảm bảo đầy đủ lợi ích của con cái, gia đình. Hơn nữa, trình tự, thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài khá phức tạp. Vậy thủ tục đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam xin tư vấn về vấn đề này như sau:
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
- Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14
II. Nội dung tư vấn
1. Thế nào là ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài?
Căn cứ Khoản 1 Điều 51 và Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn.
Thế nào là có yếu tố nước ngoài?
Căn cứ Khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu:
- Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
- Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
- Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài;
- Các hoạt động tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
2. Căn cứ giải quyết đơn phương ly hôn với người nước ngoài
Theo Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã có quy định về trường hợp ly hôn theo yêu cầu một bên, cụ thể:
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vậy, căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu của một bên đó là: có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
3. Các bước tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài
- Hồ sơ đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm các giấy tờ sau
+ Đơn xin ly hôn;
+ Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có công chứng bản chính);
+ Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện;
+ Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con);
+ Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản);
+ Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh và đã tên trong hộ khẩu;
+ Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn. Trong trường hợp các bên không tiến hành ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không ghi chú kết hôn.
- Thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài
Theo quy định của pháp luật Việt Nam,thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình, cụ thể là giải quyết đơn phương ly hôn mà một bên ở nước ngoài trong trường hợp này thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một bên cư trú ở Việt Nam. Khi đó, một bên sinh sống ở Việt Nam có quyền nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hôn nhân này.
- Trình tự ly hôn có yếu tố nước ngoài
Bước 1: Đương sự nộp hồ sơ tại TAND cấp tỉnh nơi vợ, chồng thường trú.
Bước 2: Tòa án tiếp nhận và xem xét hồ sơ và thụ lý vụ án.
+ Cán bộ Tòa án tiếp nhận đơn và Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán để xem xét hồ sơ. Tòa án thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án và thu thập chứng cứ ở nước ngoài.
+ Nếu đủ điều kiện thụ lý vụ án thì Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (sau đây gọi chung là phiên họp hòa giải), mở lại phiên họp hòa giải, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ án cho đương sự ở nước ngoài.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử.
+ Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết xem xét hồ sơ, tiến hành để các bên giao nộp chứng cứ và thực hiện thủ tục hòa giải.
+ Căn cứ Điểm a khoản 2 Điều 476 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:
Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng.
Trường hợp phiên hòa giải lần thứ nhất không tiến hành được hoặc không hòa giải được mà phải tổ chức phiên hòa giải lần thứ hai thì phiên hòa giải lần thứ hai được ấn định cách lần thứ nhất không quá 01 tháng.
Bước 4: Mở phiên tòa giải quyết đơn phương ly hôn.
Căn cứ Điểm b khoản 2 Điều 476 BLTTDS quy định về thời gian mở phiên tòa giải quyết đơn phương ly hôn như sau:
Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật này.
Như vậy, thời gian giải quyết vụ án đơn phương ly hôn với người nước ngoài khoảng 09 tháng đến 12 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án.
- Nộp án phí đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài
+ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, trong đó quy định tiền án phí giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình (đơn phương ly hôn) là 300.000 đồng và lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là 200.000 đồng.
+ Trường hợp có tranh chấp về tài sản có giá trị trên 6.000.000 đồng thì án phí chia tài sản tính trên tỉ lệ phần trăm tài sản có tranh chấp theo quy định tại Nghị quyết này.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Ngát)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Bài viết liên quan
Tư vấn chia tài sản ly hôn có yếu tố nước ngoài