THỦ TỤC CẮT KHẨU KHI LY HÔN
Sau ly hôn, câu chuyện chia tài sản, con cái chưa phải là tất cả. Một loạt vấn đề kéo theo trong đó có việc phụ nữ muốn “cắt khẩu” hay “tách khẩu” khỏi nhà chồng và “nhập khẩu” lại gia đình mẹ đẻ. Việc chuyển hộ khẩu khi ly hôn có dễ dàng? Thủ tục cắt khẩu khi ly hôn được thực hiện như thế nào?
I. Cơ sở pháp lý
Luật Cư trú 2006;
Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
II. Nội dung tư vấn
1. Sau khi ly hôn có được cắt khẩu không?
Cắt hộ khẩu sau ly hôn là thủ tục thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu thường được thực hiện.
Vợ, chồng sau khi ly hôn có thể lựa chọn việc cắt khẩu hoặc không cắt khẩu.
Mặc dù không bắt buộc, thủ tục này sẽ thuận tiện hơn cho người vợ, người chồng cũng như cơ quan hộ tịch quản lý về nơi cư trú.
Theo quy định tại Điều 27, Luật cư trú 2006, thì người có yêu cầu có thể làm đơn đề nghị gửi đến cơ quan công an cấp quận, huyện, nơi cư trú của chồng/vợ cũ để:
- Trình bày về vấn đề;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền can thiệp để chồng cũ/vợ cũ của bạn đồng ý và tiến hành theo thủ tục trên.
Còn nếu chồng/vợ cũ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì đối phương có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú .
Trường hợp chủ hộ không đồng ý mà bạn đủ điều kiện yêu cầu thay đổi chỗ ở hợp pháp theo Luật Cư trú thì khi chuyển đến nơi ở mới, bạn vẫn có thể làm thủ tục đăng ký thường trú.
Lúc này hộ khẩu cũ sẽ được xóa mà không cần bắt buộc sự đồng ý của người chồng/vợ cũ về việc tách hộ khẩu.
2. Thủ tục cắt hộ khẩu sau khi ly hôn
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ để cắt khẩu
Hồ sơ để cắt khẩu bao gồm:
- Sổ hộ khẩu (bản chính)
- Giấy báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Chủ hộ phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu đồng ý cho tách sổ hộ khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ).
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.
- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.
Bước 3: Phía cơ quan Công an trả kết quả
Trường hợp được giải quyết tách sổ hộ khẩu:
- Nộp lệ phí và nhận hồ sơ;
- Kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối chiếu các thông tin được ghi trong sổ hộ khẩu, giấy tờ khác;
- Ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả).
Trường hợp không giải quyết tách sổ hộ khẩu:
- Nhận lại hồ sơ đã nộp;
- Kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ;
- Nhận văn bản về việc không giải tách sổ hộ khẩu;
- Ký nhận (ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận văn bản và hồ sơ đăng ký cư trú đã nộp) vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.
Thời gian trả kết quả: theo ngày hẹn trên giấy biên nhận.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về vấn đề thủ tục cắt khẩu khi ly hôn. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Sầm Thu Cẩm)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
Tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình