Thủ tục ly hôn đơn phương vắng mặt theo pháp luật mới nhất
Thông thường, khi ly hôn đơn phương, đối phương thường dùng đủ mọi lý do để vắng mặt tại phiên hòa giải nhằm gây khó khăn cho quá trình ly hôn. Vậy ly hôn đơn phương vắng mặt có được không? Thủ tục xin vắng mặt khi ly hôn đơn phương như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn để giải đáp thắc mắc trên trong bài viết sau.
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
II. Nội dung tư vấn
1. Như thế nào là ly hôn đơn phương vắng mặt?
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Hiện có 02 hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình và đơn phương ly hôn. Trong khi thuận tình là việc hai vợ chồng thống nhất đi đến ly hôn, đã thỏa thuận được các vấn đề về nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung vợ chồng... thì đơn phương là việc một bên yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Do đó, việc ly hôn đơn phương sẽ gặp phải sự bất hợp tác của người còn lại, thông thường sẽ dùng rất nhiều lý do để gây khó khăn cho quá trình giải quyết ly hôn:
- Không tham gia phiên hòa giải và phiên tòa để giải quyết việc ly hôn;
- Bỏ đi khỏi nơi cư trú;
- Mất tích không thể liên lạc được;
- Vì ốm đau, bệnh tật... nên không thể tham gia giải quyết ly hôn.
Bởi quyền ly hôn là quyền nhân thân của mỗi người nên không thể chuyển giao cho người khác được. Do đó, nếu muốn giải quyết ly hôn, vợ hoặc chồng hoặc cả vợ chồng đều phải trực tiếp tham gia mà không được ủy quyền cho người khác làm thay mình.
2. Ly hôn đơn phương vắng mặt có được không?
Nếu đương sự vắng mặt tại phiên toà thì Toà án vẫn có thể tiến hành xét xử như thông thường theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:
- Vợ, chồng có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;
- Vợ, chồng vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;
- Vợ, chồng vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Theo quy định tại điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong phiên tòa sơ thẩm thì:
Đối với nguyên đơn (người yêu cầu ly hôn) vắng mặt sau hai lần Toà án triệu tập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu ly hôn của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.
Đối với bị đơn (người bị yêu cầu ly hôn) vắng mặt khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 1, không cần xét tới lý do thì phiên tòa sẽ bị hoãn, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Nhưng nếu bị đơn vắng mặt tại lần triệu tập thứ hai, không có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc không có người đại diện tham gia phiên tòa thì xẽ bị xử lý như sau:
- Nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, Tòa án có thể hoãn phiên tòa.
- Nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, nếu:
Trường hợp bị đơn không có yêu cầu phản tố vắng mặt thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố, Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu của bị đơn và tiến hành xét xử vắng mặt.
Trường hợp bị đơn vẫn tiếp tục có yêu cầu phản tố thì bị đơn vẫn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.
=> Tham khảo: Thủ tục ly hôn đơn phương nhanh nhất
3. Thủ tục xin vắng mặt khi ly hôn đơn phương
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương
Người có yêu cầu ly hôn sẽ phải chuẩn bị những giấy tờ như sau:
- Đơn khởi kiện về việc ly hôn;
- Đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);
- Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của vợ, chồng (bản sao có công chứng hoặc chứng thực);
- Sổ hộ khẩu của vợ, chồng (bản sao có công chứng, chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực – nếu có con chung);
- Những giấy tờ, tài liệu có liên quan về quyền sở hữu tài sản (nếu có yêu cầu phân chia tài sản).
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện
Sau khi chuẩn bị xong đầy đủ hồ sơ, người có yêu cầu sẽ phải nộp hồ sơ ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền và nhận kết quả xử lý đơn ly hôn.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
Nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự, sau đó nộp lại biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Bước 4: Tòa triệu tập lấy lời khai, hòa giải, tiền hành thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự
Bước 5: Xét xử tại Tòa án
Thời gian giải quyết
- Thời hạn chuẩn bị xét xử: 04 đến 06 tháng
- Thời hạn mở phiên tòa: Từ 01 đến 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về vấn đề ly hôn đơn phương vắng mặt. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Sầm Thu Cẩm)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Mời quý khách xem thêm các bài viết liên quan:
- Tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn
- Có khẩu tại nhà chồng nhưng ly hôn có bị mất khẩu không?
- Vợ chồng chưa ly hôn có tách khẩu được không?
- Chung sống như vợ chồng trước năm 1986 khi ly hôn tài sản được chia thế nào?