ĐƯA CON RA NƯỚC NGOÀI SAU KHI LY HÔN CÓ CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA BÊN CÒN LẠI KHÔNG?
Câu hỏi: Chào luật sư, tôi là phụ nữ đã ly hôn, hiện đang trực tiếp nuôi con 5 tuổi. Tôi chuẩn bị kết hôn với một người đàn ông, quốc tịch Đan Mạch và theo chồng sang định cư tại Đan mạch. Nguyện vọng của tôi là muốn mang con ra nước ngoài sống cùng tôi. Vậy xin hỏi luật sư, tôi có thể mang con ra nước ngoài mà không cần sự đồng ý của chồng không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng đội ngũ luật sư Công ty luật TNHH HTC Việt Nam. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, hướng dẫn tư vấn cho bạn để giải quyết vấn đề này trong bài viết dưới đây:
1. Cơ sở pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 sửa đổi một số điều của nghị định 1236/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
2. Nội dung tư vấn
Theo pháp luật Việt Nam quy định, việc nuôi con, chăm sóc, giáo dục con được căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con. Vì vậy, cha hoặc mẹ khi định cư, sinh sống, làm việc tại nước ngoài nhưng đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đều mong muốn đưa trẻ em ra nước ngoài để đảm bảo việc chăm sóc, giáo dục là một việc làm phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP về hồ sơ cấp hộ chiếu thì đối với trẻ em dưới 14 tuổi thì chỉ cần cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai. Do đó, trong trường hợp của chị thì chị hoàn toàn có thể đưa con ra nước ngoài mà không cần tới sự đồng ý của chồng cũ. Chị hoàn toàn có thể tự mình điền vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu cho con. Bản án, quyết định ly hôn của Tòa án là căn cứ để chứng minh quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con của bạn, chứng tỏ việc có quyền đưa con ra nước ngoài cư trú.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì người cha không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Trong trường hợp người cha không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người mẹ trực tiếp nuôi con mới có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Do vậy, việc chị đưa con ra nước ngoài sinh sống có thể bị phản đối bởi người chồng trước với lý do việc đưa trẻ ra nước ngoài gây cản trở quyền chăm nom con của mình. Đồng thời, theo pháp luật về hôn nhân và gia đình thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn và Tòa án có thể quyết định thay đổi người nuôi con, giao con cho người ở Việt Nam. Vì vậy, chồng cũ của chị có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Do đó, tốt nhất là chị nên thuyết phục người chồng cũ của chị đồng ý cho chị mang con định cư ở nước ngoài.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về quy định của pháp luật hiện hành về đưa con ra nước ngoài sau ly hôn. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Hoàng Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn