CHỒNG TRỐN CẤP DƯỠNG CHO CON SAU LY HÔN, XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
CHỒNG TRỐN CẤP DƯỠNG CHO CON SAU LY HÔN, XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ly hôn là một mặt của quan hệ hôn nhân, nảy sinh khi mối quan hệ vợ chồng không thể hàn gắn được. Sau ly hôn, ngoài vấn đề tài sản giữa 2 vợ chồng, việc cấp dưỡng nuôi con cũng gây nhiều tranh chấp phát sinh thực tế như trường hợp chồng không thực hiện cấp dưỡng. Vậy phải xử lý như thế nào trong trường hợp này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.
- Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình.
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Bộ luật Hình sự 2015.
II. Nội dung tư vấn
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha/mẹ sau khi ly hôn
Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn đã được quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Theo đó, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Trong trường hợp ly hôn, nếu con sống với một trong hai người, thì người còn lại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Thế nhưng trên thực tế, không phải ai cũng thực hiện nghĩa vụ này. Đặc biệt, có rất nhiều trường hợp vợ vất vả nuôi con một mình trong khi chồng lẩn tránh trách nhiệm cấp dưỡng theo quy định, dù đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ.
2. Xử lý như thế nào khi chồng trốn cấp dưỡng cho con?
Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con, người đang nuôi con có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, trong trường hợp người chồng cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, người vợ có thể yêu cầu Tòa án buộc người chồng thực hiện nghĩa vụ này.
3. Không cấp dưỡng nuôi con có thể bị phạt tù
Theo khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình, hành vi không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định của Tòa án sẽ bị phạt từ 3 triệu – 5 triệu đồng.
Căn cứ vào quy định này, hành vi không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn theo quyết định của Tòa án cũng có thể bị áp dụng mức phạt từ 3 – 5 triệu đồng.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định cụ thể về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng với mức phạt tối đa là 02 năm tù.
Cụ thể, Điều 186 quy định: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Trên đây là những ý kiến tư vấn của chúng tôi khi chồng trốn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết có liên quan
Trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn
Tư vấn thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài