CHẤM DỨT NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG
CHẤM DỨT NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của pháp luật.Tuy nhiên trong một số trường hợp, nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị chấm dứt. Trong bài viết dưới đây, công ty Luật HTC Việt Nam xin cung cấp một số thông tin về các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng:
1. Căn cứ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Theo quy định tại điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam 2014:
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Tại điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn:
Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
2. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Tại điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Theo quy định trên thì khi người được cấp dưỡng trưởng thành (không áp dụng với quan hệ cấp dưỡng giữa vợ - chồng)
Trường hợp người thành niên đã đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì việc cấp dưỡng vẫn tiếp tục và chấm dứt cấp dưỡng khi người này không còn trong tình trạng trên. Nguyên nhân của việc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi bản thân phải xuất phát từ các lý do khách quan như: bệnh tật, tai nạn,…
2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
Điều 24 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau:
“1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi”.
Vậy khi người con được nhận làm con nuôi thì đồng nghĩa với việc nghĩa vụ cấp dưỡng của bố/mẹ đứa bé sẽ chấm dứt trừ khi người này tự nguyện tiếp tục cấp dưỡng nuôi con. Khi đó, bố mẹ nuôi có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người con nhận nuôi.
3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
Mục đích của việc cấp dưỡng là đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Vì vậy, khi người cấp dưỡng trực tiếp nuôi người được cấp dưỡng thì sẽ chấm dứt cấp dưỡng.
4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
Việc quy định người chồng/vợ có thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho người vợ/chồng của mình sau khi ly hôn nhằm giữ gìn tình nghĩa vợ chồng còn lại dù hai người đã không còn chung sống. Tuy nhiên khi người được cấp dưỡng kết hôn với người khác, pháp luật cũng quy định chấm dứt việc cấp dưỡng.
6. Trường hợp khác theo quy định của luật.
Trên đây là các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Hi vọng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.
---------------------------------------------------------------
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------------------------
Xem các bài viết liên quan:
- Cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn;
- Khi nào được thay đổi mức cấp dưỡng?