CÓ THỂ ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN TỪ HÌNH THỨC BOT SANG BT KHÔNG?
CÓ THỂ ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN TỪ HÌNH THỨC BOT SANG BT KHÔNG?
Câu hỏi: Năm 2008, Công ty tôi được UBND tỉnh Lạng Sơn giao cho thực hiện dự án Cụm công nghiệp Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn theo hình thức BOT. Do nhiều vướng mắc nên đến nay dự án chưa được triển khai. Nay công ty muốn xin điều chỉnh hình thức thực hiện dự án từ BOT sang hình thức BT thì có phải tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu lại không?
Trả lời:
1. Căn cứ pháp lý
- Luật đầu tư 2014;
-Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn
Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định:
“Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Bên cạnh đó, tại Khoản 5 Điều 3 quy định “Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác”.
Do đó, theo quy định, hai loại hợp đồng này có bản chất hoàn toàn khác nhau về mô hình tài chính cũng như cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư. Sau gần 10 năm (từ 2008 đến nay), việc thay đổi loại hợp đồng (từ BOT sang BT) sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất và nội dung của dự án.
Vì vậy, trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp này là UBND tỉnh Lạng Sơn) nhận thấy việc chuyển đổi từ hình thức hợp đồng BOT sang BT là cần thiết thì tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Đề xuất dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Trước khi lập, thẩm định, phê duyệt Đề xuất dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét khả năng bố trí quỹ đất để thanh toán đối với loại hợp đồng BT.
Bên cạnh đó cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần đánh giá hiện trạng triển khai Dự án, lưu ý cam kết của các bên trong văn bản, hợp đồng BOT đã ký kết (nếu có).
Nếu Công ty tiếp tục quan tâm đến dự án thì có thể thực hiện quy trình đề xuất dự án theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Sau khi đề xuất dự án của công ty được phê duyệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét giao Công ty lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Trường hợp Báo cáo nghiên cứu khả thi do Công ty lập được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (bao gồm áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu) tuân thủ quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Đồng thời Công ty sẽ được hưởng ưu đãi trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề thu hồi đất gắn liền với dự án bị chậm tiến độ, Công ty cần xem thêm Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 2 Điều 15b đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 14 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP để có hướng giải quyết đối với Dự án.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về điều kiện hưởng ưu đãi đối với nhà đầu tư liên danh. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Huế)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết có liên quan: