THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI DỊCH VỤ HOMESTAY
Kinh doanh homestay đang là lựa chọn phổ biến trong loại kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên khi kinh doanh homestay nhiều người còn băn khoăn không biết thủ tục kinh doanh homestay như thế nào để có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh. Công ty luật TNHH HTC Việt Nam sẽ giải đáp vấn đề pháp lý này trong bài viết sau đây.
I, Căn cứ pháp lý:
- Luật Du lịch năm 2017;
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định 168/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2017 hướng dẫn thi hành luật Du lịch.
II, Nội dung tư vấn:
1, Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch năm 2017 và điều 24 Nghị định 168/2017 NĐ-CP thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ cư trú và du lịch cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
- Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước.
– Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
– Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.
– Người quản lý căn hộ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
2, Thủ tục đăng ký kinh doanh đối với dịch vụ homestay:
Đối với thủ tục đăng ký kinh doanh của dịch vụ homestay cũng được quy định như đối với các doanh nghiệp, hộ cá thể khác khi đăng ký kinh doanh
Căn cứ theo Điều 26 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo 3 phương thức đó là đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính hoặc đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Căn cứ theo Điều 27 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;
c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh bao gồm:
- Tên hộ kinh doanh.
- Số điện thoại + Email liên hệ khi có kết quả.
- Khai báo ngành nghề: Kinh doanh dịch vụ du lịch homestay.
- Kê khai số vốn bỏ ra.
- Kê khai số lao động sử dụng.
- 01 bản chính + 01 bản sao có công chứng gồm: Họ tên, chữ ký và CMND của người thành lập hộ kinh doanh.
Ngoài đăng ký kinh doanh thì bạn còn phải thực hiện các thủ tục đăng ký xếp hạng, đăng ký xin cấp chứng nhận an ninh trật tự, xin cấp chứng nhận Phòng cháy chữa cháy.
(Nguyễn Hoàng Yến Chi)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
- Thủ tục tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh