Thủ tục nhận nuôi con nuôi
Kính thưa Quý khách hàng!
Lời đầu tiên, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam xin gửi đến Quý khách hàng lời chào trân trọng nhất. Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi.
I. YÊU CẦU CỦA QUÝ KHÁCH HÀNG.
“ Vợ chồng tôi kết hôn đã được 5 năm nhưng vẫn chưa sinh con vì tôi mắc bệnh về cổ tử cung nên khả năng sinh đẻ kém. Vợ chồng tôi cũng đã chữa trị nhiều và nhờ các phương pháp y học song vẫn không có kết quả tốt. Vì vậy, sau khi bàn bạc với chồng và bố mẹ hai bên, tôi muốn nhận nuôi một bé gái bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Vĩnh Phúc. Tôi mong công tư tư vấn cho tôi về thủ tục nhận nuôi con nuôi để việc nhận nuôi được tiến hành suôn sẻ.”
Qúy khách hàng muốn nhận nuôi con nuôi nên mong công ty tư vấn thủ tục nhận nuôi con nuôi.
Qua thông tin trao đổi với Quý khách hàng, chúng tôi hiểu rằng: Quý khách hàng mong muốn Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cung cấp dịch tư vấn thủ tục nhận nuôi con nuôi.
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam xin tư vấn cho Quý khách như sau:
II. NỘI DUNG TƯ VẤN PHÁP LÝ CỦA HTC VIỆT NAM:
1. Cơ sở pháp lý
Để cung cấp nội dung tư vấn cho Quý công ty, Công ty Luật chúng tôi đã căn cứ các quy định sau:
- Luật Nuôi con nuôi năm 2010;
- Nghị định 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật nuôi con nuôi.
2. HTC Việt Nam xin tư vấn cho quý khách hàng một số vấn đề về thủ tục nhận nuôi con nuôi
2.1. Khái niệm và mục đích của việc nuôi con nuôi
- Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
- Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.
- Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.
Như vậy, trên cơ sở pháp luật, việc nhận con nuôi phải được hình thức hóa bằng việc đăng ký ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được minh chứng bằng giấy tờ pháp lý đầy đủ chứ không chỉ ở góc độ tình cảm và bằng lời nói xuông.
- Mục đích của việc nhận nuôi con nuôi phải xuất phát từ tình yêu thương thực sự, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi và bảo đảm điều kiện cho con được nuôi dưỡng, giáo dục trong tình yêu thương gia đình. Trong trường hợp bố mẹ nuôi con nuôi vì bất cứ mực đích nào khác để trục lợi cá nhân thì việc nhận con nuôi đó là bất hợp pháp.
2.2. Điều kiện nhận con nuôi
- Để đứa trẻ được nhận nuôi có thể phát triển toàn diện về mặt thể chất và tinh thần, người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng được những điều kiện sau:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
+ Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
+ Có tư cách đạo đức tốt.
- Đồng thời, pháp luật cũng quy định về điều kiện của người được nhận làm con nuôi:
+ Trẻ em dưới 16 tuổi
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
+ Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Cả cha mẹ nuôi và con nuôi phải đáp ứng tất cả các điều kiện trên thì việc nhận nuôi con nuôi mới được pháp luật cho phép.
2.3. Trình tự, thủ tục nhận nuôi con nuôi
* Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Người nhận con nuôi phải nộp 2 loại hồ sơ: Hồ sơ của người nhận con nuôi và Hồ sơ củ người được giới thiệu làm con nuôi trong nước.
- Hồ sơ của người nhận con nuôi bao gồm:
+ Đơn xin nhận con nuôi;
+ Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
+ Phiếu lý lịch tư pháp;
+ Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
+ Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.
- Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước bao gồm:
+ Giấy khai sinh;
+ Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
+ Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
+ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;
+ Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
* Bước 2: Nộp hồ sơ
- Người nhận nuôi con nuôi phải nộp 2 bản hồ sơ trên tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
* Bước 3: Kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người có liên quan
Sau khi UBND nhận đủ hồ sơ sẽ kiểm tra, tiến hành việc lấy ý kiến của cha mẹ đẻ; Nếu một trong hai người chết, mất tích… thì phải lấy ý kiến của người còn lại; Nếu cả hai người cùng chết, mất tích… thì phải lấy ý kiến của người giám hộ…
- Thời gian kiểm tra hồ sơ và lấy ý kiến: 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
- Thời gian những người liên quan thay đổi ý kiến đồng ý về việc cho trẻ em làm con nuôi: 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến;
* Bước 4: Đăng ký nhận nuôi con nuôi
- Nếu người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày.
- Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày.
- Cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng sáu tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi,
3. Bảng báo giá chi phí.
Vui lòng liên hệ qua sđt: 0989.386.729 hoặc email: [email protected] để được báo giá chi tiết.
III. Bảo mật
Mọi thông tin, trao đổi liên lạc, các tài liệu và các thỏa thuận giữa các Bên sẽ được cam kết giữ bảo mật tuyệt đối và chỉ được trao đổi với Bên thứ Ba khác khi có sự chấp thuận của cả Hai Bên bằng văn bản.
Trên đây là nội dung đề xuất dịch vụ của HTC Việt Nam về những nội dung yêu cầu của Quý khách hàng. Kính mong Quý khách xem xét và chấp thuận. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung đề xuất dịch vụ này, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được phúc đáp.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Nguyễn Yến Vy/163, Ngày viết: 07/08/2021)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn
-----------------------------------------------------------------------------------
Xem thêm các bài viết liên quan: