THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Những năm gần đây Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia đáng để đầu tư nhất khu vực Châu Á. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp phải nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục đầu tư vào Việt Nam do không hiểu biết về pháp luật đầu tư của Việt Nam, một trong số đó là thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đừng lo, hãy để Công ty Luật HTC Việt Nam giải quyết vấn đề của bạn.
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Đầu tư 2014;
- Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.
II. Nội dung tư vấn
1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì? Tại sao cần phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Và “Dự án đầu tư” là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định (Khoản 4, 6 Điều 3 Luật Đầu tư 2014).
Có thể hiểu Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là giấy phép hoạt động được các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp cho các tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện để tiến hành các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Hay dễ hiểu hơn, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là điều kiện đầu tiên để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ được Sở Kế Hoạch và Đầu Tư cấp ở dạng văn bản hoặc bản điện tử, có ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư.
Tại sao phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?
Các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi này nhằm mục đích tìm hiểu giấy chứng nhận đấy có vai trò gì, nó có tác dụng gì đối với quá trình đầu tư?
Mục đích chính của việc phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là giúp cho nhà nước Việt Nam quản lý việc đầu tư của nhà đầu tư.
Ngoài ra, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn có vai trò trực tiếp tới quá trình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài:
- Là điều kiện tiên quyết để dự án đầu tư có thể đi vào hoạt động một cách bình thường;
- Là giấy chứng nhận về dự án để các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào dự án;
- Là thủ tục phải có khi đầu tư tại Việt Nam trong những trường hợp bắt buộc.
Trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Luật Đầu tư 2014, cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
(1) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
(2) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2014, cụ thể:
Trường hợp 1: có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tới 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh.
Trường hợp 2: có tổ chức kinh tế thuộc trường hợp 1 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Trường hợp 3: có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế thuộc trường hợp 1 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Lưu ý: Luật Đầu tư 2014 cũng quy định các trường hợp không cần xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
(1) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước.
(2) Dự án đầu tư có tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không quá 51%.
(3) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của tổ chức kinh tế.
Đối với dự án đầu tư thuộc diện phải xin quyết định chủ trương, nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Đầu tư 2014 thực hiện dự án đầu tư sau khi có được quyết định chủ trương đầu tư từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Điều 28 Nghị định 118/2015/NĐ-CP thì thẩm quyền tiếp nhận, cấp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau:
(1) Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:
- Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
(2) Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, gồm:
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
(3) Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
- Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Dự án đầu tư thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Cơ quan quy định tại các Khoản (1), (2) và (3) trên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương đã cấp cho nhà đầu tư trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.
3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là khác nhau đối với hai loại dự án sau:
- Dự án thuộc diện phải xin quyết định chủ trương đầu tư
- Dự án không thuộc diện phải xin chủ trương đầu tư.
3.1 Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư
Các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cần tiến hành xin quyết định chủ trương theo Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư 2014.
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
3.2 Dự án không thuộc diện phải xin quyết định chủ trương đầu tư
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014 cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Mục tiêu của dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
b) Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Nguyễn Hoa)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài
Luật sư tư vấn về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam