Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Việt Nam là một môi trường đầu tư tiềm năng với nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế về thị trường lao động lớn, giá nhân công rẻ, thị trường kinh tế phong phú, nhiều ưu đãi và chính sách mở cửa nhằm thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong một vài trường hợp, nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện về vốn, lĩnh vực đầu tư và giấy phép. Khi đầu tư thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam, các Nhà đầu tư nước ngoài cần tìm hiểu và nhờ Luật sư bản địa giàu kinh nghiệm tư vấn kỹ càng để nắm được và sử dụng/thực hiện tốt các quy định, thủ tục pháp lý cần thiết tại Việt Nam. Dưới đây, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam xin gửi đến Quý khách hàng những điểm quan trọng cần lưu ý khi thành lập Công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ nhất, về lĩnh vực đầu tư/ngành nghề kinh doanh

Căn cứ vào phạm vi các cam kết mở cửa thị trường tại Việt Nam, nhu cầu và khả năng đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài nên lựa chọn các lĩnh vực đầu tư/ngành nghề đầu tư cần và đủ để thực hiện; tốt nhất nên đầu tư trong các lĩnh vực/ngành nghề đã được Việt Nam cam kết rõ ràng trong các Điều ước quốc tế song phương hoặc/và đa phương để tránh gặp rủi ro bị từ chối khi đăng ký các ngành nghề, lĩnh vực chưa được mở cửa thị trường. Mỗi lĩnh vực đầu tư/ngành nghề kinh doanh lại gắn liền với yêu cầu về lượng vốn đầu tư khả thi tương ứng phục vụ thực hiện, các điều kiện đầu tư/Giấy phép kinh doanh cụ thể tương ứng nếu thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc loại bỏ không đăng ký các ngành nghề kinh doanh chưa hoặc không thực sự cần thiết sẽ giúp các nhà đầu tư tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí để thực hiện các thủ tục pháp lý phát sinh cũng như có được thuận lợi nhất khi đăng ký và triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thời gian thành lập Công ty sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không. Đối với các lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện, thời gian thành lập là 20 ngày làm việc. Đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, thời gian sẽ kéo dài lâu hơn phụ thuộc vào thời gian thẩm tra của các Bộ ngành liên quan, thông thường sẽ kéo dài từ 45 – 60 ngày làm việc.

Thứ hai, về nhà đầu tư

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể là các cá nhân (còn gọi là doanh nhân) hoặc công ty nước ngoài. Đa số các ngành nghề đầu tư kinh doanh thông thường đã được Việt Nam mở cửa toàn diện đều được quy định cho phép các nhà đầu tư có thể là cá nhân hoặc công ty nước ngoài, tức không hạn chế về tư cách nhà đầu tư là cá nhân hay công ty. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đặc biệt có các yêu cầu đầu tư cụ thể về tư cách đầu tư phải là cá nhân hay là công ty, có thể xác định qua tổng hợp các điều kiện đầu tư đối với toàn bộ các lĩnh vực/ngành nghề đăng ký đầu tư trên cơ sở phạm vi cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và các quy định của pháp luật Việt Nam nếu có.

Thứ ba, về vốn đầu tư, vốn điều lệ để thành lập công ty

Hiện các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và pháp luật Việt Nam chỉ quy định các điều kiện hạn mức đầu tư của dự án lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định như giáo dục, kinh doanh bất động sản, lữ hành, trung gian thanh toán,… còn lại các ngành nghề kinh doanh thông thường khác không có quy định giới hạn mức đầu tư thì các nhà đầu tư chỉ cần đảm bảo tính khả thi của lượng vốn đầu tư tương xứng với phạm vi, quy mô của dự án. Để xác định được lượng vốn đầu tư, vốn điều lệ phù hợp, các nhà đầu tư cần xác định được tổng hợp các điều kiện hạn mức đầu tư nếu có đối với toàn bộ các lĩnh vực/ngành nghề đầu tư nếu có và kế hoạch tài chính cụ thể đảm bảo tính khả thi khi triển khai dự án, tránh đăng ký quá ít dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần gây tốn thời gian và chi phí. Trong tất cả các lĩnh vực, nhà đầu tư phải chứng minh khả năng tài chính của mình đủ điều kiện góp vốn đã cam kết.

Thứ tư, về góp vốn đầu tư, vốn điều lệ sau khi thành lập công ty

Cần lưu ý, việc góp vốn đầu tư và vốn điều lệ cần thực hiện đúng theo thời hạn đã đăng ký thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Điều lệ công ty và pháp luật Việt Nam. Theo đó, cần lưu ý, thời hạn góp vốn đầu tư của các nhà đầu tư đồng thời là góp vốn điều lệ của công ty tại Việt Nam (đối với cả công ty TNHH và công ty cổ phần) do các nhà đầu tư đăng ký thời hạn song không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các nhà đầu tư sẽ phải góp vốn đầu tư qua chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư được mở bởi Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo yêu cầu/hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Thứ năm, về lựa chọn địa điểm đầu tư và thành lập công ty

Các nhà đầu tư nên chọn các địa điểm đầu tư, thành lập công ty có địa chỉ rõ ràng; chọn Bên cho thuê có đủ các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc/và quyền cho thuê/quyền cho thuê lại nếu có; địa điểm/văn phòng cho thuê thuộc diện được phép cho thuê, được thiết kế và xây dựng đúng quy định của pháp luật Việt Nam, không đang trong tình trạng có tranh chấp. Văn phòng thuê cần thuộc khu vực được thiết kế và xây dựng phục vụ chức năng văn phòng trên cơ sở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đã cấp phép xây dựng.

Thứ sáu, về sử dụng con dấu của công ty

Công ty tại Việt Nam có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu, có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau. Trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu, công ty phải gửi thông báo đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi công ty đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành thủ tục thông báo và được đăng tải mẫu dấu lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, con dấu có thể được sử dụng từ ngày có hiệu lực đã được ghi nhận trong thông báo đã được đăng tải.

Thứ bảy, về sử dụng lao động

Công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam có thể thuê người lao động là người nước ngoài hoặc người Việt Nam để làm việc tại công ty. Tuy nhiên, nếu có sử dụng lao động là người nước ngoài, công ty phải thực hiện các thủ tục xin cấp visa, xin chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài, giấy phép lao động, thẻ tạm trú theo các điều kiện, thủ tục được pháp luật Việt Nam quy định.

Thứ tám, về người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật của công ty tại Việt Nam là cá nhân đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của công ty, đại diện cho công ty với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Công ty TNHH và công ty cổ phần tại Việt Nam có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Công ty phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Thứ chín, về thực hiện nghĩa vụ thuế

Hằng năm, mỗi công ty tại Việt Nam sẽ phải nộp lệ phí môn bài (từ 2 đến 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ đăng ký); phải nộp thuê thu nhập doanh nghiệp khi có lợi nhuận; kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng. Tùy vào ngành nghề đầu tư kinh doanh, công ty tại Việt Nam còn có thể phải nộp các loại thuế như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, …

Việt Nam cũng có nhiều quy định ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư trong các ngành nghề được ưu đãi đầu tư hoặc đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Thứ mười, về báo cáo sau khi thành lập

Sau khi thành lập, tùy vào lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh như: báo cáo hoạt động mua bán hàng hóa; báo cáo hoạt động xuất khẩu, báo cáo hoạt động nhập khẩu, báo cáo hoạt động lưu trú, du lịch…. Việc báo cáo được thực hiện theo quý, 6 tháng hoặc một năm. Việc báo cáo phải tuân thủ tính trung thực, chính xác và đúng thời hạn.

Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Toà nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hoà, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn

(T. Loan)



Gọi ngay

Zalo