Vụ 2 bé gái đuối nước: Chủ nhân chiếc ao đào trái phép có phải chịu trách nhiệm?
Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 04/6/2018 - Theo quan điểm của luật sư, dù được người dân cảnh báo từ trước, thế nhưng hành vi cẩu thả của chủ quản lý ao nước đã gián tiếp gây ra cái chết cho 2 sinh mạng, vụ việc này là đặc biệt nghiêm trọng và cần phải khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ và xử lý trước pháp luật.
Liên quan đến vụ 2 nữ sinh đuối nước thương tâm dưới ao nước đào trái phép ở xã La Phù, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội), trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc công ty luật HTC Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - chia sẻ, tai nạn đuối nước của hai em nhỏ gây tổn hại lớn về tinh thần của hai gia đình, cá nhân tôi rất lấy làm tiếc và cũng mong muốn thông qua quý báo xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân.
“Trong trường hợp này, xét về góc độ đạo đức, tôi nhận thấy rằng lương tâm tình làng nghĩa xóm, người được giao sử dụng diện tích khu vực ao nước (nơi xảy ra cái chết thương tâm cho hai em nhỏ) cần đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi đau, mất mát đối với gia đình hai nạn nhân. Tuy nhiên, theo thông tin trên báo chí, chủ nhân chiếc ao đó đã không có bất cứ chia sẻ gì là điều đáng buồn”, ông Hùng nêu quan điểm.
Theo phân tích của luật sư, ở góc độ pháp luật, hành vi đào ao trên đất nông nghiệp, cụ thể: Nguồn gốc đất đào ao trước đó là đất nông nghiệp (chưa rõ trồng lúa hay trồng cây hàng năm), khi muốn sử dụng đất này để nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm thì việc chuyển mục đích sử dụng đất này phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điểm a Khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai 2013).
Như vậy, hành vi đào ao trên đất nông nghiệp mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật đất đai. Đối với hành vi này, tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 102/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Như vậy, chủ sở hữu khu vực ao nước được đào trái phép có thể bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, chủ sở hữu ao nước còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (khoản 3 Điều 6 Nghị định 102/2014).
Ngoài ra, theo thông tin do anh Nguyễn Văn Chung (bố của một nạn nhân trong vụ việc này), người dân xung quanh khu vực ao nước rất nhiều lần cảnh báo với chủ sở hữu ao nước về sự nguy hiểm và khuyên ông làm hàng rào bao quanh bờ để đảm bảo an toàn nhưng ông này không thực hiện và từ hành vi cẩu thả ấy dẫn đến cái chết thương tâm của hai nạn nhân.
Do vậy, hành vi của chủ sở hữu ao nước có thể bị xem xét điều tra và nếu đủ yếu tố thì cơ quan công an có thể khởi tố về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, với hành vi của mình gây ra hậu quả làm chết 2 người, chủ sở hữu ao nước có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm, chủ sở hữu khu vực ao nước có thể phải bồi thường những khoản sau: Chi phí mai táng và các thiệt hại khác nếu có và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân bằng số tiền bằng thỏa thuận hoặc nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xác định thiệt hại bằng số tiền không vượt quá 100 lần tháng lương cơ sở (không vượt quá 130 triệu đồng) trên một nạn nhân.
“Tai nạn là không ai mong muốn, kể cả người quản lý cái ao nước đó. Thế nhưng hành vi của chủ nhân cái ao đã rất cẩu thả và để xảy ra hậu quả nghiêm trọng dù đã được cảnh báo trước thì phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, vụ việc này còn đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi trực tiếp đại diện cho nhà nước quản lý đất đai tại địa phương. Do đó gia đình nạn nhân cần có đơn trình báo đến cơ quan chức năng (cụ thể là công an huyện), cung cấp đầy đủ thông tin liên quan để đòi lại sự công bằng cho các nạn nhân. Theo tôi, đối với trường hợp này, cơ quan công an cũng cần xem xét khởi tố vụ án về tội vô ý làm chết người để điều tra và cần phải có người chịu trách nhiệm về việc này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trước đó, như PNVN đã đưa tin, vào chiều ngày 30/3 vừa qua, ở xã La Phù, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 2 bé gái là Nguyễn Thị Mai Linh và Nguyễn Thị Hạnh, đều sinh năm 2006 và là bạn học cùng lớp tử vong.
Nói về nguyên nhân dẫn đến cái chết của các nạn nhân, hàng xóm cho biết, vào khoảng tháng 10/2017, khi ông Tạ Tương H. dùng máy múc để đào cái ao trên đất quỹ 2 (đất nông nghiệp dư thừa được cơ quan có thẩm quyền giao cho tổ chức, cá nhân thuê lại để sản xuất có thời hạn) thuộc địa phận thôn là trái mục đích sử dụng. Sau khi đào ao (với độ sâu khoảng 3-4 mét nước) xong thì không có rào chắn xung quanh cũng như biển cảnh báo và bị người dân nhiều lần phản đối, cảnh báo vì sự xuất hiện ao nước như vậy trong khu dân cư là gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ con.
Và khi sự việc đau lòng xảy ra, người chủ quản lý và đào ao nước đó vẫn không có động thái đến để chia buồn hay nhận trách nhiệm gì về cái chết của các nạn nhân.
Khoản 2 Điều 6 Nghị định 102/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:
“Chuyển mục đích sử dụng sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hình thức và mức xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; b) Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta; c) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên...”
Văn Lịnh (thực hiện)
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm những bài viết dưới đây:
1. Luật sư: VTVcab phải cung cấp lại các kênh đã “cắt”
2. Cùng tội danh trong 2 vụ án, tổng hình phạt ông Đinh La Thăng ra sao?