Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

​Nữ trưởng phòng mượn bằng để thăng tiến có thể bị xử phạt hành chính?

Nữ trưởng phòng mượn bằng để thăng tiến có thể bị xử phạt hành chính?

Vụ việc nữ nhân viên cắt tóc mới học hết cấp 2, dùng bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến đến chức Trưởng phòng ở Đắk Lắk đang làm nóng dư luận những ngày qua.

Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã xác nhận là có trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973), chức vụ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) mới học hết cấp 2 nhưng lấy bằng cấp 3 của chị ruột là Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện là hộ lý, công tác tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để học trung cấp, liên thông lên Đại học và đã học đến Thạc sĩ. Theo kết quả xác minh, bà Thảo kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực (gia đình có 12 anh chị em nhưng trong sơ yếu lý lịch tự thuật chỉ khai 4 anh chị em).

Theo Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, cơ quan đã nhận được đơn xin nghỉ việc của bà Thảo. Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ làm thủ tục để khai trừ Đảng với lý do đảng viên này đã nhận khuyết điểm.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tổ chức họp và xem xét đưa ra mức kỷ luật có cho nữ trưởng phòng này nghỉ việc hay không? Đồng thời Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ rà soát quá trình ai là người giới thiệu kết nạp đảng cho nữ trưởng phòng.

Nêu quan điểm về vụ việc, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, nữ trưởng phòng dùng bằng cấp 3 của chị gái rồi leo lên đến chức trưởng phòng là không thể chấp nhận được. Và rõ ràng không phải xin nghỉ việc là xong mà tổ chức cần phải có hình thức kỷ luật cán bộ tương xứng với hành vi lừa dối, sai trái đó. Bà Thảo phải chịu kỷ luật Đảng với hình thức cao nhất là khai trừ và kỷ luật buộc thôi việc; không những thế, tất cả các bằng cấp đào tạo, bồi dưỡng mà bà Thảo có được phải bị thu hồi, hủy bỏ, thậm chí phải buộc bà Thảo bồi thường cho Nhà nước về tất cả các chi phí đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, đầu tiên cần xác định bà Thảo sử dụng bằng tốt nghiệp thật có tên Ái Sa (chị gái ruột bà Thảo) chứ không phải sử dụng bằng giả. Vì vậy, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo Bộ luật hình sự năm 2015.

"Theo ý kiến cá nhân tôi, bà Thảo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 16, Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa” - Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết.

Cũng theo luật sư, ngoài việc xử phạt hành chính, bà Thảo có thể bị buộc thôi việc theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử lý kỉ luật đối với công chức khi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.

"Bên cạnh đó, bà Thảo còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, ở đây là hồ sơ mà bà Thảo đã sử dụng để thi tuyển vào Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk" - Luật sư Hùng nói.

Theo luật sư, trong trường hợp kiểm tra giấy tờ nhân thân của bà Thảo, nếu phát hiện bà này có hành vi đổi tên các giấy tờ nhân thân có tên bà Thảo thành tên bà Sa thì bà Thảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh: "Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 340 của Bộ luật hình sự 2015.

Cụ thể, người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Sử dụng giấy tờ, tài liệu đã bị sửa chữa hoặc làm sai lệch thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm./.

Nguồn: Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam VOV.vn

https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/nu-truong-phong-muon-bang-de-thang-tien-co-the-bi-xu-phat-hanh-chinh-964325.vov.

-----------------------------------------------------------------------------

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam.

Địa chỉ: Tầng 15, Toà nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hoà, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn




Gọi ngay

Zalo