Đưa thông tin trẻ em lên mạng trái phép bị phạt tới 10 triệu đồng: Đủ sức răn đe
Đưa thông tin trẻ em lên mạng trái phép bị phạt tới 10 triệu đồng: Đủ sức răn đe
Báo Lao động ngày 27/3/2018 - Theo luật sư, các mức phạt đưa ra trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là tương đối cao nhưng sẽ có hiệu quả.
Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định xử phạt vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các mức xử phạt lên đến 10 triệu đồng. Bình luận về điều này, luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc xây dựng, ban hành Nghị định này sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn.
"Các mức phạt đưa ra trong dự thảo đưa ra theo tôi là tương đối cao nhưng sẽ có hiệu quả. Bởi với mức phạt này có thể răn đe đối với những đối tượng có hành vi lợi dụng môi trường mạng, hay các trò chơi qua mạng để xâm phạm đến trẻ em như là đưa hình ảnh trẻ em lên mạng một cách trái phép, tung tin giả mạo, trò chơi ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ… để bảo vệ thông tin cho trẻ em và để trẻ được phát triển một cách tốt nhất" - luật sư Hùng phân tích.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật Trẻ em 2016, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Như vậy, trẻ em được bảo vệ hình ảnh, thông tin đời sống riêng tư (Điều 87 Luật Trẻ em 2016).
Pháp luật không quy định cụ thể nhưng hành vi như thế nào được coi là vi phạm hình ảnh trẻ em. Tuy nhiên, có thể khái quát lại các trường hợp sau đây: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em (khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em 2016). Cha, mẹ, người giám hộ cần tránh ngộ nhận rằng mình có toàn quyền đối với hình ảnh của trẻ em khi tự ý đăng tải các bức ảnh của trẻ lên mạng xã hội, bởi có nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của trẻ.
Pháp luật hiện nay chỉ đưa ra các quy định cấm về thông tin, bí mật riêng tư của trẻ mà không có các quy định cụ thể, chặt chẽ về xử lý vi phạm đối với nội dung này. "Việc ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có các quy định về bảo vệ quyền hình ảnh của trẻ em nói riêng và quyền được bảo vệ bí mật riêng tư của trẻ em nói chung để tránh các nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sự an toàn của trẻ" - luật sư Hùng nói.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 54 Luật Trẻ em 2016 về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó theo quy định tại Điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Trẻ em thì thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”.
Những thông tin trên của trẻ em nếu được đăng tải lên Facebook thì rất có thể sẽ vô tình khiến trẻ em gặp nguy hiểm gặp nguy hiểm, và với những hành vi này người đăng tải hình ảnh trẻ em có thể vi phạm pháp luật.
SONG BÌNH (thực hiện)
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/dua-thong-tin-tre-em-len...