Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

​Vụ nữ sinh bị bạo hành: Cách chức Ban giám hiệu nhà trường có quá nặng?

Vụ nữ sinh bị bạo hành: Cách chức Ban giám hiệu nhà trường có quá nặng?

Vụ việc nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng dã man ở Hưng Yên đã khiến Ban Giám hiệu nhà trường bị cách chức. Dư luận không khỏi băn khoăn, liệu án phạt có quá nặng đối với thầy cô, hay có đủ các yếu tố để khởi tố hình sự hay chưa…, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) sẽ giải đáp cụ thể.

Vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên bị nhóm bạn lột đồ, đánh dã man khiến em này phải nhập viện. Có ý kiến cho rằng cần phải khởi tố hình sự, với tư cách là luật sư, ông cho rằng ý kiến trên có đủ căn cứ?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Trong vụ việc này, 5 nữ sinh tham gia lột đồ, đánh bạn dã man phải nhập viện trước sự chứng kiến của nhiều người đã xâm hại 2 khách thể của Bộ luật Hình sự (BLHS) điều chỉnh, đó là sức khỏe và danh sự nhân phẩm của người khác. Hành vi của 5 nữ sinh có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134) và tội Làm nhục người khác (Điều 155) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Để xét một hành vi có đủ cấu thành tội phạm hay không cần xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm như chủ thể, khách thể, mặc chủ quan và mặt khách quan. Trong trường hợp này, vụ việc xảy ra trong nhà trường, các nữ sinh mới học lớp 9, nên việc xác định chủ thể là vấn đề đầu tiên để xem xét có cấu thành tội phạm hay không?

Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội mà Bộ luật này có quy định khác

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

Căn cứ vào điều luật hành vi của các nữ sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm tùy thuộc vào năng lực hành vi của chủ thể và hậu quả của vụ việc. Do đó, cần phải xem xét độ tuổi của nhóm nữ sinh này có đáp ứng yếu tố chủ thể phạm tội không và xác định hậu quả mức độ thương tích của nạn nhân.

- Thứ nhất, nếu các đối tượng đã đủ 16 tuổi thì theo quy định: người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm, “từ đủ 16 tuổi” là đã qua sinh nhật lần thứ 15. Để xem xét trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra phải căn cứ vào giấy khai sinh cụ thể của từng nữ sinh để xác minh độ tuổi chính xác đã đủ 16 tuổi hay chưa.

- Thứ hai, đối với người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 1 Điều 12 BLHS 2015. Trong đó có Tội cố ý gây thương tích với thương tích từ 31% đến 61%. Tội làm nhục người khác thì chỉ xử lý đối với những đối tượng đã từ đủ 16 tuổi. Trong trường hợp đủ 16 tuổi rồi mà thương tích của nạn nhân dưới 11% nhưng nếu có tính chất côn đồ, vẫn xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Như vậy, để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 5 nữ sinh đánh bạn thì Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) cần thu thập thông tin về giấy khai sinh của từng đối tượng để xem xét độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời tiến hành giám định thương tích của nạn nhân để xác định hậu quả của vụ việc, làm căn cứ đánh giá, xem xét để khởi tố vụ án hình sự.

Việc Ban giám hiệu và các giáo viên yêu cầu học sinh xóa bỏ clip, không được đưa thông tin ra bên ngoài, xử lý vụ việc theo kiểu xuê xòa, đóng cửa bảo nhau có đủ yếu tố cấu thành tội che giấu, bao che với tòng phạm?

Như đã trình bày ở trên thì hành vi của 1 số em học sinh có thể cấu thành tội phạm “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” nếu đủ dấu hiệu về mặt chủ thể. Chỉ trong trường hợp các em có hành vi phạm tội thì mới xét được việc làm có các giáo viên có hành vi che giấu tội phạm hay không “1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.”

Tôi che giấu tội phạm được quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ở khoản 1 Điều 389 có quy định:

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm”.

Tuy nhiên trong dẫn chiếu các điều khoản các tội được che giấu ở điều này lại không bao gồm tội cố ý gây thường tích quy định tại điều 134. Vì vậy không có căn cứ pháp luật để truy cứu hình sự các thầy cô giáo trong trường về hành vi che giấu tội phạm.

Để xét hành vi của Ban giám hiệu và giáo viên có vi phạm pháp luật khác không thì phải xem xét các luật chuyên ngành. Trong trường hợp này, các thầy cô giáo là viên chức, thầy cô đảm nhiệm chức danh quản lý trong trường gồm thầy hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng là công chức nên dẫn chiếu Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản pháp luật có liên quan để xem xét hành vi vi phạm.

Theo ông, quyết định cách chức Ban giám hiệu nhà trường có quá nặng cho các thầy cô so với những vụ việc tiêu cực của ngành giáo dục thời gian vừa qua đơn cử như vụ chạy điểm ở kỳ thi THPT Quốc gia?

Đối với những vụ chạy điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia chủ yếu là hành vi vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi THPT Quốc gia. Bản chất so với vụ việc này là khác nhau nên không thể đánh giá được mức độ nặng nhẹ của chế tài xử lý.

Tuy nhiên, tôi đồng ý với ý kiến chỉ đạo về việc xử lý nghiêm Ban giám hiệu trường THCS Phù Ủng để cảnh tỉnh đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành và không tạo ra tiền lệ xấu.

Như tôi đã phân tích ở trên, sự việc xảy ra ngay trên lớp học và kéo dài trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp và ngay cả giáo viên. Để sự việc học sinh bị bạo hành nhiều lần mà giáo viên chủ nhiệm không báo cáo, nhà trường không có biện pháp phối hợp kịp thời với gia đình để xử lý là thiếu trách nhiệm. "Hội đồng kỷ luật của trường lại xử lý quá nhẹ những hành vi sai phạm này”.

Theo tôi, đây là vụ rất nghiêm trọng, vượt qua phạm vi thông thường của bạo lực học đường, có nguyên nhân ý thức thực thi công vụ của các cấp, đặc biệt là nhà trường chưa làm hết trách nhiệm, Ban giám hiệu đã vi phạm nghĩa vụ quản lý, điều hành gây ra sự việc nghiêm trọng này.

Theo đó, điều 12 nghị định 27/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viên chức quy định về xử lý kỉ luật đối với viên chức như sau:

“Điều 12. Cách chức: hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; …."

Ngoài ra, đối với thành phần Ban Giám hiệu là công chức quản lý sẽ căn cứ vào điều 13 nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỉ luật đối với công chức như sau:

Điều 13. Cách chức

"1. Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

………………….

b) Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;..”

Vì vậy, việc cách chức Ban giám hiệu nhà trường là cần thiết, bởi từ trước tới nay chưa có một vụ việc bạo lực học đường nào nghiêm trọng như vậy mà tập thể từ ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm đến hội đồng kỷ luật của trường lại bao che cho những hành động tàn bạo này và nêu ra lý do“Em ấy hiền lành, không có kỹ năng nên bị như vậy" là thiếu trách nhiệm, không thể chấp nhận được.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên đuổi học các học sinh có hành vi côn đô. Ông cho rằng điều này phản giáo dục, không đúng luật? Nên chăng chúng ta có thể đưa các em vào những trung tâm giáo dưỡng?

Đuổi học các học sinh có hành vi côn đồ không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này.

Trong vụ việc này, các em đều chưa đủ 16 tuổi, ở lứa tuổi này tâm sinh lý đang phát triển nên việc không kiềm chế được cảm xúc, hành vi là điều thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó gia đình và nhà trường thiếu sự quan tâm, giáo dục khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc, nếu không được chấn chỉnh thì hậu quả sau này sẽ rất nghiêm trọng.

Pháp luật Việt Nam luôn đặt vấn đề giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội hơn là trừng phạt, vì vậy nếu đuổi học các em thì không thể đạt được mục đích của việc giáo dục.

Nhà trường là nơi giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhưng nếu nhà trường cũng không chấp nhận các em thì đâu sẽ là nơi giáo dục các em? Phải chăng là xã hội bên ngoài?

Nếu các em sai thì nên cho các em có cơ hội để nhận ra lỗi lầm của mình và bắt đầu lại từ đầu. Việc đuổi học sẽ chỉ khiến các em thêm chán nản, dễ đi lầm vào con đường tệ nạn.

Hành vi của các em để lại hậu quả rất lớn cho nạn nhân, nếu không bị xử lý thì không đảm bảo được quyền lợi cho nạn nhân và dễ khiến các em nghĩ rằng mình gây ra hậu quả nhưng cũng không bị xử lý, dẫn đến coi thường pháp luật. Do đó cơ quan chức năng nên đưa các em vào trung tâm giáo dưỡng để các em có thời gian nhìn nhận lại sai lầm của mình và định hướng cho các em thay đổi nhận thức.

Việc đưa vào trường giáo dưỡng vừa là cơ hội để giáo dục các em vừa là hình phạt để các em phải nhận do lỗi lầm mà mình gây ra, từ đó là lời cảnh báo đối với các em học sinh khác.

Tuy nhiên, trước khi đi đến việc giải quyết như thế nào thì cần tìm hiểu nguồn gốc cốt lõi vấn đề nằm ở đâu. Ở lứa tuổi của các em thì gia đình và nhà trường sẽ là những người giúp các em có định hướng đúng đắn và hoàn thiện bản thân.

Nhà trường có lỗi một phần nhưng gia đình lại là căn nguyên trong việc hình thành nhân cách của các em. Chính cha mẹ khi đưa con đi học cũng nhiều lần văng tục với kẻ lạng lách, đánh võng hay dễ dàng vung nắm đấm vào những ai làm con họ khóc. Chính cha mẹ mỗi ngày đều đang gieo vào đầu con trẻ những nhận thức lệch lạc bằng bạo lực, chửi rủa, thóa mạ, nói xấu,… đồng nghiệp hay hàng xóm của họ đấy thôi.

Khi tự nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận khách quan, liệu chúng ta đã đủ quan tâm chưa? Liệu con của chúng ta có thực sự NGOAN như chúng ta vẫn đang nghĩ?

Để rồi khi đứa trẻ phạm tội, lại lên báo nói rằng: “Con tôi bình thường nó ngoan lắm!" Sau những vụ việc đau lòng xảy ra trong môi trường học đường, mỗi cha mẹ nên tự nhìn nhận và lựa chọn cho mình một cách giáo dục con phù hợp.

Vì vậy, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường nhằm giáo dục con trẻ là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt muốn các con hiểu và thực hiện được thì nhà trường và phụ huynh còn cả một chặng đường dài.

Nguồn: Báo Infonet Việt Nam

https://infonet.vietnamnet.vn/phap-luat/vu-nu-sinh-bi-bao-hanh-cach-chuc-ban-giam-hieu-nha-truong-co-qua-nang-45636.html

------------------------------------------------------------------

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam.

Địa chỉ: Tầng 15, Toà nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hoà, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn



Gọi ngay

Zalo