Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

Tiểu đoàn 10 - Một thời hào hùng và người lính trọn đời đi tìm đồng đội

TIỂU ĐOÀN 10 - MỘT THỜI HÀO HÙNG (Luật sư Nguyễn Doãn Hùng)

Xuất phát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế được sự đồng ý của Khu ủy Trị Thiên và Trung ương các lực lượng võ trang chính quy ra đời. Đó là các Tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của tỉnh là K4, K10 và một số đơn vị trực thuộc, chỉ trong một thời gian ngắn các đơn vị vũ trang của K10, K4 đã phối hợp cùng các huyện, giải phóng nhiều làng xã, cờ đỏ xanh của quân giải phóng phấp phới bay trên các đình làng của huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy.

Vào những năm 1966, đến khi cuộc tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968 nổ ra ở Huế, trước sự phát triển như vũ bão ở chiến trường Trị Thiên Huế, nhiều Trung đoàn bộ binh của Quân khu được thành lập, đứng trên địa bàn Thừa Thiên Huế có Công trường 5 (là mật danh của Trung đoàn) phụ trách địa bàn 2 huyện là Hương Trà, Hương Thủy; Công trường 4 phụ trách đánh địch ở Phú Lộc, Phú Vang; Công trường 6 phụ trách đánh địch và phát động nhân dân ở 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền.

Tiểu đoàn 10, hay còn gọi là K10 chủ yếu đóng quân, đánh địch và phát động quần chúng, xây dựng cơ sở trên địa bàn Hương Trà.

Vào những ngày Xuân 1968, Bộ đội K10 cùng với Trung đoàn, phối hợp cùng với bộ đội Sư đoàn 324, tấn công nổi dậy vào Cố đô Huế, tham gia hàng trăm trận đánh ở nội thành, chặn Mỹ ở quán cơm Âm Phủ, bắn tàu địch ở Sông Hương, giữ từng góc phố, căn nhà chặn hàng chục tiểu đoàn Mỹ, ngụy phản kích.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông, một người lính cũ của K10 đã viết :

"Lính K10, K4 bạn ta ơi

Ta tự hào quân ông Chi, ông Một

Đêm lạc đường...ngắm sao trời trước mặt

Quầng sáng xa kia…Thành Huế gọi ta về

Những tên làng tên đất tên quê

Nơi xương thịt bạn mình thành cây nưa củ kiệu

Đêm Xuân nào đánh vô thành Nội

Quân tướng Ngụy tan hoang mấy chục đêm ngày

Sông Hương bắn chìm tàu

Cơm Âm Phủ phá vây

Bom ném Cổ Thành, cầu An Hòa chặn ngụy

Câu hát bay theo...hẹn một ngày về.''

Tiểu đoàn 10 Một thời hào hùng và người lính trọn đời đi tìm đồng đội
Ông Nguyễn Quốc Nam bên đồng đội.

Giai đoạn 1969 - 1970 là thời kỳ khó khăn của chiến trường Thừa Thiên Huế, Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ càn lên miền Tây, chiếm cứ Dốc Chè, Cô ca va, Động Chuối, Khe Trái, Địa đạo 310.

Sư đoàn 1 bộ binh Ngụy vây cản giáp ranh. Hàng trăm cơ sở cách mạng ở đồng bằng do lực lượng cách mạng huyện xã gây dựng bị địch phá vỡ.

Bộ đội K10 bị đứt liên lạc với trên, được lệnh giữ vững giáp ranh... Các đại đội bộ binh K10, quân số bị tiêu hao, phải bám các căn cứ cũ của địch để kiểm hợp, tìm đường về dân vừa xây dựng cơ sở vừa mua gạo, muối cứu đói. Lực lượng cán bộ huyện xã, du kích bị thiếu hụt. Trước hoàn cảnh ấy, Tỉnh đội Thừa Thiên quyết định đưa bộ đội K4 và K10 về tham gia vào các đơn vị địa phương để xây dựng phong trào cách mạng trong dân.

Vào khoảng tháng 9.1970 khi bộ đội tăng cường cho địa phương còn gần 200 tay súng là người Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa và một số là người địa phương...

Cho đến năm 1971, quân khu Trị Thiên và Tỉnh đội Thừa Thiên cho phép thành lập lại K10, số cán bộ khung chỉ còn lại chưa tới 30 tay súng. Đúng như Nhà văn Đỗ Kim Cuông đã viết trong tiểu thuyết "Phòng tuyến sông Bồ" của ông.

"Phần đông những người lính ấy đã ngã xuống trên các cánh đồng Hương Mai, Hương Trạch, Hương Vân, La Chốc, Phủ Ô. Họ đã ngã xuống trong các con suối, cánh rừng vùng Khe Trái, Địa đạo 310, Điểm cao 360 Dốc Đoác, bến bờ con sông Bồ thơ mộng… Không để lại dấu tích, bia mộ. Họ lẫn khuất trong các cánh rừng, bãi sình lầy, ngọn đồi mọc đầy sim mua, cỏ dại. Ở đấy, cứ mỗi độ thu sang, mọc đầy hoa lan, trắng cả một vùng.

Tiểu đoàn 10 Một thời hào hùng và người lính trọn đời đi tìm đồng đội
Ông Nguyễn Quốc Nam đưa mẹ liệt sĩ Đoàn Ngọc Sơn 100 tuổi từ Hà Tĩnh vào Lăng viếng Bác.

Mùa xuân 1972, trên đất Quảng Bình, K10 tiếp nhận người lính Hà Tĩnh…chỉ vài tháng sau, những anh lính trẻ quê ở Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Nghi Xuân...đã trở thành những người lính chủ lực của K10 tham gia cùng bộ đội sư đoàn 324 giữ chốt ở Khe Trái, Cao điểm 360 về giữ vùng giáp ranh Hương Trà.

Mùa xuân 1973, bộ đội K10 tham gia vào cuộc chiến đấu "giành đất, cắm cờ" trên quê hương Phong Quảng, Hương Trà. Đã có bao người lính Hà Tĩnh đã hy sinh trong trận chiến này trước khi quân Mỹ buộc phải rút về nước, quân Ngụy ký hiệp định Pari, mở ra một thời kỳ "hòa hợp", mà bộ đội K10 được giao nhiệm vụ giữ chốt "hòa hợp" trên dải đất Phong Sơn, Phong Điền.

Tiểu đoàn 10, được tăng cường thêm mấy đại đội bộ binh, quê ở Hà Nội, Vĩnh Phú...

Những trận đánh giữ chốt, giữ đất lại diễn ra trong đội hình của Trung đoàn 4.

Và vào đêm 9.3.1975, bộ đội K10 được lệnh của quân khu lọt qua vòng vây của quân Ngụy, đánh về Phong Quảng, Hương Trà.

Đại đội 1 chủ công tấn công về Phú Lương B, Cao Ban, Sơn Tùng, Hiền Lương, Đại đội 2 và các đơn vị khác tấn công về Hương Trà... Cả một chiến dịch chưa tới 20 ngày, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng Thừa Thiên Huế, giải phóng miền Nam đã có hàng chục người lính K10 ngã xuống trước khi họ được nhìn thấy lá cờ bay trên đỉnh Ngọ Môn vào ngày 26.3.1975 lịch sử.

VUI NGÀY GẶP MẶT

Hơn 40 năm, những người lính cũ của K10, mới có dịp gặp nhau.

Những người lính trẻ năm xưa, từng đi qua trận mạc một thời, nay đã ngoài tuổi 60, 70... tóc bạc, gặp nhau mừng vui... Những người lính còn lại đã góp sức người, sức của cùng thân nhân liệt sĩ đi quy tập, tìm kiếm đồng đội của mình đã ở lại chiến trường. Họ không quên những đồng đội đã hy sinh trong trận mạc. Tiêu biểu là ông Nguyễn Quốc Nam, chàng trai sinh ra tại Hà Thành, may mắn trở về lành lặn sau chiến tranh. Ông không bao giờ quên đồng đội, luôn kết nối đồng hành cùng gia đình liệt sĩ để tìm kiếm hài cốt đồng đội đưa về nghĩa trang, quê nhà.

Tiểu đoàn 10 Một thời hào hùng và người lính trọn đời đi tìm đồng đội
Ông Nguyễn Quốc Nam tổ chức lễ Mừng thượng thọ 100 tuổi cho Mẹ liệt sĩ.

Người viết bài này gặp ông Nam trong những ngày cận kề ngày kỷ niệm Thương binh, liệt sĩ (27.7.2021), trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con phố Nguyễn An Ninh (Hà Nội), bên điếu thuốc cháy gần tàn và ly cà phê đen, ông Nam hồi tưởng và chia sẻ: Trong nhiều năm qua, ông Nam đã hỗ trợ đưa hàng chục bộ hài cốt đồng đội về nghĩa trang và quê nhà; ông là người kết nối với Ban liên lạc K10 và các đồng đội còn sống để hàng năm gặp mặt ôn lại kỷ niệm thời binh lửa, hỗ trợ nhau trong cuộc sống thời bình. Là người "có duyên" trong tìm hài cốt đồng đội, ông Nam chia sẻ: "Để tìm được hài cốt đồng đội và quy tập được về nghĩa trang hay quê hương thì cần có 3 điều kiện cần và đủ: 1. Gia đình toàn tâm toàn ý, vượt mọi khó khăn, mong muốn, khát khao đi tìm bằng được hài cốt liệt sĩ; 2. Có đồng đội của liệt sĩ theo cùng để xác nhận, chứng kiến có đúng là nơi hy sinh, nơi chôn cất liệt sĩ hay không?". Ông Nam còn chia sẻ thêm "Khi tìm được hài cốt liệt sĩ phải lấy mẫu cốt để làm xét nghiệm AND với thân nhân liệt sĩ, khi nào đúng thì mới quy tập, mời liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ hay nghĩa trang gia đình quê nhà".

Những người lính K10 đã ngã xuống trên chiến trường hay vì bạo bệnh và những người còn sống vẫn không quên bản chất tốt đẹp của người bộ độ Cụ Hồ, luôn tri ân những đồng đội đã ngã xuống. Ngày nay, dù mỗi một người một số phận, phải lo toan mưu sinh cuộc sống nhưng từ trong con tim của mỗi người, từ trong khóe mắt vẫn không quên ký ức chiến tranh và những người bạn của mình đã ngã xuống trên mảnh đất Cố đô, góp phần làm nên chiến thắng chung của cả dân tộc./.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng

Nguồn: Tạp chí điện tử Tri ân https://trian.vn/tieu-doan-10-mot-thoi-hao-hung-va...



Gọi ngay

Zalo