Trang chủ

NƠI YÊN TÂM ĐỂ CHIA SẺ VÀ ỦY THÁC

HTC Việt Nam mang đến "Hạnh phúc -Thành công - Cường thịnh"

Tư vấn pháp luật 24/24

Luật sư có trình độ chuyên môn cao

TRAO NIỀM TIN - NHẬN HẠNH PHÚC

CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ TỐT NHẤT

bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

giảm thiếu chi phí- tiết kiệm thời gian

​“Siết” công chứng để ngăn mua bán nhà “hai giá”

“Siết” công chứng để ngăn mua bán nhà “hai giá”

Để ngăn chặn tình trạng mua bán bất động sản hai giá (giá bán thực tế cao hơn giá trong hợp đồng để trốn thuế), Luật sư Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cho rằng, tới đây cần kiểm tra thường xuyên cả việc kê khai, mua bán bất động sản và công chứng.

- Hậu quả của việc mua, bán bất động sản hai giá là gì, thưa bà?

Luật sư Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Mua bán bất động sản hai giá là hành vi giá bán trong thực tế cao hơn giá ghi hợp đồng nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế và công chứng. Việc này gây thất thu thuế rất lớn và tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng. Các cá nhân tham gia đều liên đới chịu trách nhiệm về tội trốn thuế, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả, tội không tố giác tội phạm...

Cùng với đó, hợp đồng mua bán dù đã được công chứng nhưng vẫn có thể bị tòa án tuyên vô hiệu vì hợp đồng được xác lập nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Khi hợp đồng bị tòa án tuyên vô hiệu thì các bên phải hoàn trả cho nhau tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước. Người mua chỉ có thể được bồi thường số tiền đã ghi trên hợp đồng, còn số tiền chênh lệch được thỏa thuận bên ngoài hợp đồng sẽ bị mất trắng do không có căn cứ pháp lý chứng minh.

- Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực bất động sản. Ý kiến của bà như thế nào?

Đây là việc làm cần thiết, nếu làm tốt chắc chắn thị trường sẽ minh bạch, công bằng hơn nhưng cũng có nhiều thách thức.

Cụ thể, việc chuyển nhượng hai giá không chỉ được các bên thỏa thuận bằng miệng, mà còn được thỏa thuận ghi trong hợp đồng công chứng. Do đó, việc giám sát thuế ở khâu giá giao dịch của Bộ Tài chính hiện nay vẫn còn kẽ hở cho các đối tượng muốn trốn thuế. Hơn nữa, rất nhiều giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt nên đã xảy ra tình trạng kết hợp với nhau kê khai giá thấp để đóng thuế ít đi, đây cũng là vấn đề nan giải.

Bên cạnh đó, dù Nhà nước có quy định và quản lý giá đất dựa trên bảng và khung giá nhưng thực tế thị trường tùy vào những đợt sốt đất, vị trí, mức độ khan hiếm… Việc tồn tại đồng thời hai hệ thống giá đất như vậy "tạo cơ hội" để người dân né thuế bằng cách khai thấp giá mua bán, và chính các cơ quan thuế cũng rơi vào thế khó khi phải xem xét trường hợp nào là mức giá phù hợp và như nào thì bị coi là “gian dối” trục lợi.

Hiện quy định pháp luật còn nhiều hạn chế, như việc giám sát, xử lý vi phạm đối với tội trốn thuế trong giao dịch bất động sản còn chưa triệt để, ngân hàng và tổ chức công chứng chưa phối hợp chặt chẽ.

Bộ Tư pháp vừa có văn bản về chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, Bộ đề nghị Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chỉ đạo và có cơ chế giám sát các hội công chứng viên trong việc yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản… kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách.

Bộ cũng đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố chỉ đạo, quán triệt các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch; hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê đúng giá trị thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế.

- Theo bà, đây có phải liều thuốc đủ mạnh hay chỉ là giải pháp tình thế?

Thực chất việc giao dịch mua bán bất động sản được thực hiện thông qua hợp đồng giao dịch dân sự do các bên tự thỏa thuận với nhau. Do đó, việc các cơ quan chức năng cấp có thẩm quyền giám sát việc kê khai thuế là khó thực hiện. Việc xác định rõ chênh lệch giữa giá trị chuyển nhượng thực tế với giá trị chuyển nhượng đã được các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng thường chỉ được phát hiện khi các bên có tranh chấp hoặc khi thực hiện đăng ký biến động tại cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền.

Vì vậy, để chống thất thu cho ngân sách, bên cạnh việc ban hành chế tài xử phạt mạnh tay hành vi trốn thuế, chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường các chương trình giáo dục pháp luật, tuyên truyền pháp luật về thuế cho người dân. Xây dựng hình ảnh trốn thuế là xấu xa và trái đạo đức có thể khiến nhiều người đang có ý định vi phạm phải ngần ngại.

Đặc biệt, thời gian tới cần kiểm tra thường xuyên cả hoạt động kê khai, mua bán bất động sản và hoạt động công chứng chứng thực các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản.

- Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

------------------------------------------------------------------

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam.

Địa chỉ: Tầng 15, Toà nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hoà, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn



Gọi ngay

Zalo