TƯ VẤN KÝ KẾT THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ
Theo quy định tại Điều 73 BLLĐ năm 2012, thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
Theo đó, thỏa ước lao động được hình thành từ sự thỏa thuận, thương lượng giữa tập thể người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về các vấn đề như an toàn, vệ sinh lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng…
Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.
Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể được thực hiện theo quy định Điều 74 Bộ luật lao động 2012 về ký kết thỏa ước lao động tập thể:
“1. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động.
2. Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và:
a. Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;
b. Có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành;
c. Đối với hình thức thỏa ước lao động tập thể khác theo quy định của Chính phủ.
3. Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết”.
Điều 74 quy định các điều kiện ký kết thỏa ước lao động tập thể. Theo đó, thỏa ước lao động tập thể được ký kết khi có 3 điều kiện sau đây:
– Về chủ thể ký kết, điều luật này quy định điều kiện chủ thể ký kết cho mọi loại thỏa ước lao động tập thể, gồm đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động. Tức là người đại diện cho chủ thể đại diện thương lượng tập thể, có quyền và trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện các nội dung của thỏa ước lao động tập thể. Theo đó, tùy thuộc vào loại thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp hay thỏa ước lao động tập thể ngành hay loại thỏa ước tập thể khác mà pháp luật quy định riêng về chủ thể ký kết.
Theo quy định trên thì thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động. Trong đó, căn cứ quy định tại Điều 18 Nghị định 05/2015/NĐ-CP có quy định về chủ thể ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp là
“1. Người ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp tại Khoản 1 Điều 83 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
a) Bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở;
b) Bên người sử dụng lao động là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.”
Chủ thể ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành được quy định tại Điều 87 BLLD 2012 là
“1. Đại diện ký kết thoả ước lao động tập thể ngành được quy định như sau:
a) Bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn ngành;
b) Bên người sử dụng lao động là đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động đã tham gia thương lượng tập thể ngành.”
Như vậy, những chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa ước lao động tập thể sẽ là những chủ thể sau: (1) Phía bên người sử dụng lao động là người đại diện theo pháp luật của công ty bạn; (2) Bên đại diện tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sơ ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
Như vậy, nếu tại Công ty nơi bạn làm việc chưa thành lập công đoàn cơ sở thì thẩm quyền ký kết lao động tập thể của công ty bạn sẽ là Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tức Chủ tịch công đoàn Tổng công ty. Còn nếu Công ty nơi bạn làm được thành lập công đoàn cơ sở thì thẩm quyền ký kết thỏa ước lao động tập thể sẽ là Chủ tịch công đoàn cơ sở, không phải Chủ tịch công đoàn Tổng công ty.
– Về nội dung, thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể. Có nghĩa là nội dung của thỏa ước lao động tập thể đáp ứng được 3 điều kiện đã phân tích ở Điều 73 nêu trên.
– Về thủ tục ký kết, trước khi ký kết thỏa ước lao động tập thể, các bên phải tiến hành thương lượng tập thể. Thủ tục thương lượng tập thể phải tuân theo các quy trình chặt chẽ quy định tại Điều 71 BLLĐ 2012. Ngoài ra, nội dung đạt được trong quá trình thương lượng tập thể phải được đa số người lao động hoặc đại diện của người lao động được lấy ý kiến biểu quyết tán thành. Tùy vào loại thỏa ước lao động tập thể mà pháp luật quy định cụ thể số người của tập thể lao động hoặc số đại diện tham gia biểu quyết. Quy định như vậy không chỉ nhằm bảo đảm sự dân chủ trong đơn vị, bảo đảm nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mà còn thể hiện ý chí chung của tập thể lao động về các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của tập thể lao động.
Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết, để người lao động thực hiện các nghĩa vụ cũng như được hưởng các quyền lợi theo quy định của thỏa ước lao động tập thể.
Mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thoả ước lao động tập thể do người sử dụng lao động chi trả (Điều 82 BLLĐ năm 2012).
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về các quy định về ký kết thỏa ước lao động tập thể, chúng tôi rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
(Ngọc Ánh)